“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Đua lãi suất rất nguy hiểm

Giao dịch tại một ngân hàng ở TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH

TS Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng lãi suất tiền gửi lên tới 17%-18% sẽ đẩy lãi suất cho vay lên trên 20%, doanh nghiệp không chịu nổi

* Phóng viên: Ông nghĩ sao trước thực trạng có khá nhiều ngân hàng tìm cách xé rào vượt trần lãi suất huy động 14%/năm đã cam kết?

 

- TS Cao Sĩ Kiêm:
Đây là việc làm không có tính cộng đồng, vượt khỏi các lý thuyết lý luận và mang nặng lợi ích cục bộ. Lãi suất tiền gửi hợp lý hiện nay khoảng 12%-13% và tối đa không vượt quá 14%. Hợp lý bởi đó là lãi suất thực dương để gửi tiền khi mức lạm phát cao nhất năm nay khoảng 11%. Với mức huy động này, ngân hàng sau khi cộng các khoản chi phí có thể cho vay 16%-17%, một mức lãi suất có thể chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay. Nếu lãi suất tiền gửi lên tới 17%-18% sẽ đẩy lãi suất cho vay lên trên 20% và đó là mức lãi suất không thể chịu đựng nổi đối với doanh nghiệp.

Hòa cả làng

 
* Ông cho rằng mức trần 14% là phù hợp với thực tế hiện nay?
 
- Phù hợp cả về lý thuyết và thực tiễn. Tuy nhiên, thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào ý thức chấp hành và khả năng quản lý. Việc quản lý phải nghiêm minh, cụ thể và có thái độ, biện pháp xử lý rõ ràng. Ngân hàng phải chia sẻ với doanh nghiệp và doanh nghiệp phải chia sẻ với dân, dân chia sẻ với Nhà nước, nhà nước có trách nhiệm với dân và doanh nghiệp... Không ai có thể vì lợi ích cục bộ của mình mà có thể làm méo mó các quy định hay cam kết chung. Những người làm như vậy phải bị kiểm tra và xử lý kiên quyết. Nếu cứ quản lý lỏng lẻo, ai muốn làm gì thì làm là hòa  cả làng và tác hại sẽ rất lớn.
 
 
* Việc xé rào lãi suất sẽ gây ra những tác động gì, thưa ông?
 
- Trong tình hình tương đối yên ổn, thanh khoản không có vấn đề lớn mà các ngân hàng thương mại xé rào lãi suất là việc làm vô lối, tạo ra làn sóng đua lãi suất mới rất nguy hiểm cho nền kinh tế bởi lãi suất huy động ở mức đó thì cho vay phải lên tới 21%-22%. Nếu huy động và cho vay với những mức này là thoát ly tình hình lạm phát.
 
Phải xử lý nghiêm
 
* Theo ông, sẽ có những hệ lụy gì nữa nếu cam kết trần lãi suất huy động 14% không được chấp hành?
 
- Một xã hội hiện đại, văn minh phải bảo đảm  lòng tin và sự công bằng trên cơ sở luật pháp. Luật pháp đã đưa ra mà không thực hiện nghiêm hay không xử lý nghiêm người vi phạm thành ra vô lối, mất lòng tin, dẫn tới sự hỗn loạn mà ai muốn làm gì thì làm. Lúc đó, các chủ trương, chính sách có đúng đắn và tốt đẹp đến đâu cũng có thể trở nên vô hiệu.
 
* Ông nhìn nhận ra sao về việc xử lý của cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước, trước những vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính thời gian qua?
 
- Việc phát hiện, tỏ thái độ thì được nhưng xử lý chưa nghiêm. Ví dụ rõ nhất là đối với việc Techcombank xé rào nâng lãi suất lên 17%. Lẽ ra trong lúc chống lạm phát đang là ưu tiên cao thì phải xử lý rất nghiêm trường hợp này mới khiến các ngân hàng khác không dám “nhờn” chính sách, quy định chung. Cứ đưa ra chính sách nhưng thực hiện lại cứ lùi dần, lùi dần thì thiên hạ sẽ thấy ngay luật lệ đã không được chấp hành nghiêm từ đầu.
 
* Song nhìn trở lại cũng thấy cam kết trần lãi suất 14% quá cao và chẳng khác nào một mệnh lệnh hành chính?
 
- Lãi suất 14% là rất cao đối với sản xuất và kinh doanh nên phải tìm mọi cách để sớm rút xuống để ổn định nền kinh tế. Giải pháp trước mắt cũng là xuyên suốt cho giai đoạn cuối năm 2010 và 2011 là giải quyết  vấn đề lạm phát. Đây là ngòi nổ có thể gây bất ổn định, chúng ta phải tìm mọi cách để ép giảm dần. Đồng thời phải thực hiện đồng bộ với các biện pháp vĩ mô như chính sách tài khóa, giảm bội chi ngân sách, chi tiêu hành chính, chi tiêu công, giảm chỉ số ICOR, nhập siêu... cũng như thông những điểm “nghẽn” lâu nay của nền kinh tế như thiếu điện, ùn tắc giao thông, thủ tục hành chính.

Người không nghiêm chỉnh lại vớ bẫm

 
Việc đưa ra quy định rồi lại rút lại hay thực hiện không nghiêm sẽ dẫn tới sự mất lòng tin, người nghiêm chỉnh bị thiệt trong khi người không đàng hoàng lại hưởng lợi. Việc hoãn thực hiện tăng vốn điều lệ ngân hàng lên 3.000 tỉ đồng là một ví dụ điển hình. Những người nghiêm chỉnh đã phải chấp nhận bán cổ phiếu với giá rẻ để thực hiện yêu cầu, song cũng có không ít người chây ì tới gần giờ chót nên khi hoãn thực hiện thì rõ ràng những người nghiêm chỉnh đã thiệt hại khá lớn trong khi những người không nghiêm chỉnh lại vớ bẫm. Đây là bài học không nên lặp lại trong tương lai.
Phạm Dương thực hiện