Đây là quan điểm chủ đạo của dự án Luật giá được Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều qua (26-9).
Theo ông Huệ, dự luật này khẳng định quyền tự chủ, quyền cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo tín hiệu thị trường, xóa bỏ các hình thức bao cấp qua giá (trợ giá, trợ cấp, bù chéo qua giá) không phù hợp với các cam kết quốc tế. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh; thực hiện can thiệp vào thị trường chủ yếu bằng các biện pháp kinh tế, chỉ định giá cụ thể đối với hàng hóa, dịch vụ độc quyền hoặc một số hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công, tài nguyên quan trọng.
Không nên giao quyền cho cá nhân
Ban Cơ yếu Chính phủ thuộc Bộ Quốc phòng Ban Cơ yếu Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ là không hợp lý, vì hoạt động cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia. Luật an ninh quốc gia không giao trách nhiệm quản lý nhà nước về an ninh quốc gia cho Bộ Nội vụ. Bộ Chính trị đã đồng ý chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ đang trực thuộc Bộ Nội vụ sang trực thuộc Bộ Quốc phòng. Chính phủ cũng đã có quyết định để Ban Cơ yếu Chính phủ trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đây là nội dung cuối cùng được hoàn tất trong dự thảo Luật cơ yếu được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần cuối trước khi được Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp tới. |
Đồng tình với quan điểm của Chính phủ, nhưng thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng dự luật vẫn còn thể hiện theo hướng để Nhà nước can thiệp sâu vào quan hệ cung - cầu của thị trường, có 15/51 điều của dự luật giao cho Chính phủ các quyền quyết định cụ thể về quản lý giá cả.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển, cần quy định trong luật về danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải áp dụng biện pháp bình ổn giá để tránh việc Nhà nước can thiệp quá sâu vào quy luật cung - cầu, ảnh hưởng đến quyền tự chủ của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng. Ủy ban này cho rằng chỉ những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như xăng dầu, điện, dịch vụ bưu chính viễn thông, sách giáo khoa mới thuộc danh mục định giá.
Ủy ban Tài chính - ngân sách cũng nêu rõ: quyết định các biện pháp bình ổn giá trên phạm vi cả nước phải do tập thể Chính phủ xem xét quyết định, không nên giao trách nhiệm cho cá nhân Thủ tướng.
Tương tự như vậy, quyết định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá cũng nên do các bộ xem xét, quyết định, không nên giao cá nhân bộ trưởng chịu trách nhiệm. Việc giao UBND các tỉnh thành quyết định các biện pháp bình ổn giá tại địa phương như dự thảo luật là chưa hợp lý do tiềm lực ngân sách và điều kiện ở mỗi địa phương là khác nhau.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, luật trước hết phải xác định được các biện pháp bình ổn giá là những biện pháp gì, mặt hàng bình ổn giá là những mặt hàng nào, sau đó mới phân cấp được cái nào do Thủ tướng, cái nào do bộ trưởng bộ nào quyết, chứ không phải tùy hứng rồi quyết một cái thì “chết” thị trường.
Chủ tịch Quốc hội phân tích: “Cũng là thuốc chữa bệnh, nhưng bình ổn giá với đối tượng nào thôi, giá bệnh viện công và cho người nghèo thì phải khác ở bệnh viện tư cho người có tiền. Cũng là xăng dầu nhưng chỉ hỗ trợ người sản xuất, hỗ trợ ngư dân đánh cá, chứ ông đi xe hơi sang trọng xài càng nhiều xăng thì xịt càng lắm khói là phải thu nhiều tiền chứ sao lại phải hỗ trợ”.
Dẹp nạn loạn quảng cáo
Cấm quảng cáo không đúng sự thật về chất lượng, số lượng, giá cả, công dụng hay quảng cáo có sử dụng các thuật ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một”, “siêu việt”, “hàng đầu”... mà không có căn cứ hợp pháp. Đây là một trong những nội dung được thể hiện trong dự án Luật quảng cáo được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh trình bày.
Dự luật cũng quy định theo hướng nới rộng tỉ lệ khống chế về diện tích, thời lượng quảng cáo trên báo chí; bổ sung các quy định về việc các cơ quan báo chí có nhu cầu được phép ra các trang chuyên quảng cáo và yêu cầu phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước; yêu cầu nội dung, hình thức các trang chuyên quảng cáo.
LÊ KIÊN