Tỉ giá ngoại tệ tăng mạnh làm cho nhiều doanh nghiệp phải trích dự phòng tài chính dẫn tới khả năng bị lỗ
Ảnh: H.Thúy
Mặc dù mức lãi vay khá thấp (so với vay VNĐ) nhưng từ trước tới nay, giá ngoại tệ trên thị trường chỉ biết “thẳng tiến” nên đã làm cho nhiều đơn vị chịu tổn thất nặng nề.
Hai năm bù tỉ giá 2.635 tỉ đồng
Điện là một ngành kinh doanh có tính độc quyền, do nhu cầu tăng mạnh nên lượng điện sản xuất chưa đủ đáp ứng cho tiêu dùng, vì thế đây được coi là ngành công nghiệp có thu nhập ổn định nhất. Thế nhưng, một số đơn vị do phải vay vốn nước ngoài quá lớn nên khi tỉ giá ngoại tệ biến động mạnh thì tiền lãi làm ra không đủ bù đắp khoản trượt giá, làm cho kết quả kinh doanh chuyển từ lãi sang... lỗ. Trong đó, Công ty Nhiệt điện Phả Lại (PPC) là một điển hình trên thị trường chứng khoán.
Sáng 11-12, tỉ giá đồng yen Nhật (JPY) bán ra niêm yết tại Ngân hàng Ngoại thương Việt
Theo báo cáo mới nhất của PPC, đến hết tháng 10 năm nay, đơn vị này còn nợ vốn vay nước ngoài trị giá 34,35 tỉ JPY. Mức tính trượt tỉ giá phải đến ngày 31-12 mới chốt. Nhưng tạm tính, với món nợ như vậy, đến thời điểm này (11-12) của năm nay, riêng khoản chênh lệch trượt tỉ giá đã “ngốn” mất của PPC hơn 1.092 tỉ đồng.
Được biết, năm 2008, do mức trượt giá JPY cao (42,62 đồng), với số nợ ngoại tệ lúc đó là 36,2 tỉ JPY nên PPC đã phải bù trượt giá lên đến 1.543 tỉ đồng. Như vậy, ước tính sơ bộ riêng trong 2 năm nay, PPC phải bù trượt giá ngoại tệ lên đến khoảng 2.635 tỉ đồng.
Mặc dù trong năm 2008, PPC đạt lợi nhuận khá cao nhưng do phải bù khoản trượt tỉ giá nên kết thúc năm, đơn vị vẫn bị lỗ trước thuế là 469 tỉ đồng. Còn năm nay, do giá điện tăng, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của PPC vẫn đạt mức khá cao nhưng do phải bù trượt giá JPY nên lợi nhuận PPC có thể lại... bị mất. Vì rủi ro như vậy nên cổ phiếu PPC trên thị trường hiện đã bị đè xuống mức 16.500 đồng, thấp gần bằng mức đáy khủng hoảng (tháng 2-2009).
Cảnh giác khi vay ngoại tệ
Đối với những DN vay ngoại tệ đầu tư mà có sản phẩm bán thu bằng ngoại tệ thì việc trượt tỉ giá không đáng lo. Nhưng với những DN mà sản phẩm bán trong nước (thu bằng tiền đồng), khi tỉ giá ngoại tệ biến động mạnh thì rủi ro tăng lên.
Mặc dù được hưởng lãi vay thấp (thường từ 3% - 5%/năm) nhưng do tiền đồng mất giá mạnh nên khi cộng tỉ lệ trượt giá và lãi vay thì có khi bất lợi hơn vay VNĐ. Theo ghi nhận của chúng tôi, từ cuối năm 2007 đến nay, tỉ giá JPY đã tăng thêm 74,43 đồng (từ 142,34 lên 216,77 đồng), tức tăng 52,29%. Nếu cộng với lãi vay (giả sử 3%/năm) thì sau 2 năm, chi phí vốn tăng thêm 58,29%. Đây là mức tăng đáng sợ, đủ sức làm cho những DN vay JPY phải đối mặt với nguy cơ sạt nghiệp.
Theo chuyên gia tài chính Huy Nam, việc vay vốn ngoại tệ đang mang lại phiền toái cho DN. Khi vay ngoại tệ để đầu tư, ngoài mức lãi vay thông thường, nếu DN không lường trước được sự biến động tỉ giá để hạch toán dự phòng tài chính thì nguy cơ lỗ vốn luôn treo lơ lửng.
Do USD giảm giá nên đồng tiền hầu hết của các nước đều tăng giá, còn tại VN thì ngược lại, tỉ giá USD tăng mạnh, làm cho những DN có nợ ngoại tệ đầu tư mua thiết bị, công nghệ hoặc nhập khẩu luôn phải gánh chịu rủi ro. Để phòng ngừa trượt tỉ giá vốn vay, DN cần cảnh giác khi vay vốn ngoại tệ, cần biết hạch toán dự phòng rủi ro tài chính, nếu không sẽ lâm vào cảnh bị lãi giả nhưng... lỗ thật.