| ||||
Một thông tin đáng chú ý trên thị trường vàng cuối tuần qua là Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng với số lượng không hạn chế để bình ổn thị trường.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới đến 700.000 đồng/lượng. Sự chênh lệch quá lớn này có thể dẫn tới việc nhập lậu vàng hàng loạt, ảnh hưởng tới thị trường ngoại tệ. Đã có một vài DN kinh doanh vàng đăng ký số lượng vàng nhập khẩu. Và cho biết, dự kiến chỉ mất 2-3 ngày, số lượng vàng nhập khẩu sẽ về tới VN. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra nếu các DN được được cấp phép một cách chính thức (như ngày 11.11.2009) và được cấp quota nhập khẩu.Và tới cuối ngày 11.7, vẫn chưa có thông báo chính thức nào từ phía NHNN về việc này. Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vàng - cho biết:
Số lượng vàng dân bán ra mà các DN mua được để xuất khẩu, theo tôi có thể chỉ là số vàng đầu cơ bán ra (và có khả năng mua lại rồi bán để hưởng chênh lệch giá). Còn lượng vàng mà người dân nắm giữ thì rất khó khuyến khích họ bán ra. Bởi hiện xu hướng là giá vàng thế giới còn lên cao và ngay cả một số NHTƯ các nước trên thế giới cũng đi mua vàng. Xu hướng chung hiện nay là trú ẩn vào vàng. - Trong thời gian qua, đã có một số lượng vàng được xuất khẩu để lấy vốn cho sản xuất. Nhưng số vàng trong NH còn nhiều, trong dân nhiều hơn. Vậy đối với lượng vốn nhàn rỗi này, cách nào để tận dụng, thưa ông? - Cánh duy nhất là huy động vào hệ thống NH. Nếu hạ lãi suất huy động vàng thì rất khó thực hiện. Trước đây, đã có nhiều NH nước ngoài đề xuất được thực hiện các công cụ phái sinh áp dụng cho vàng. Ví dụ, khi NH trong nước huy động được một tấn vàng, sau đó mang “bán” có thời hạn cho NH nước ngoài. Khi đến hạn, NH trong nước có thể mua lại số lượng vàng đó để trả lại cho người gửi với mức giá thỏa thuận trước cộng lãi suất. Nếu tới hạn mà giá trong nước cao hơn giá vàng thế giới và cao hơn mức giá đã bán trước đây thì NH trong nước hoàn toàn có thể hủy hợp đồng, không mua lại và có thể mua ngoài thị trường. Tức là NH trong nước đảm bảo có lãi. Với lãi suất huy động vàng chỉ 1-3%/năm, trong khi lãi suất cho vay vốn VND ở mức 12-13% thì việc chuyển vốn vàng thành VND như trên là hoàn toàn có lợi. Cho nên đã có NH huy động vàng với lãi suất tới 3%/năm. Theo quy định khi đó, NH trong nước muốn tiến hành chính thức giao dịch này phải ký quỹ 30% số vàng huy động để dự trữ; dùng công cụ phòng ngừa rủi ro và đảm bảo hệ số an toàn. Nhưng khi NHNN không cho phép các NH kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài thì hình thức kinh doanh này cũng bị đóng cửa luôn. Như vậy là các cửa kinh doanh vàng của NH đều bị đóng. - Tâm lý muốn nắm giữ vàng của người dân dường như đã bớt đi phần nào khi lãi suất huy động vàng tại các NH hiện đã rất thấp (có NH áp dụng lãi suất huy động vàng bằng 0%). Cùng với việc đóng cửa sàn vàng, tài khoản vàng ở nước ngoài có khuyến khích người dân bán vàng không, thưa ông? - Nếu nói muốn huy động vốn vàng trong dân bằng cách khuyến khích người dân bán vàng đi, giảm lượng dự trữ xuống thì khó. Bởi tâm lý người dân khi trữ vàng là không cần lời mà chỉ cần bảo toàn vốn khi có khủng hoảng. Và từ khi mở cửa thị trường này hơn hai chục năm trở lại đây thì lượng vàng trong dân nắm giữ rất nhiều. Nếu bảo bán hết ngay thì không thể được mà phải từ từ. Nhưng điều này là đi ngược với xu hướng thế giới là tích trữ vàng như tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, chỉ có khoảng 1/3 lượng vàng trong dân được gửi vào các NH, 2/3 còn lại vẫn nằm ngoài vùng kiểm soát. Đây là vấn đề nhức nhối. Nếu muốn gỡ bỏ tập tục trữ vàng của người dân trong bao năm qua thì phải mất hàng thế hệ. Muốn hạ vai trò vàng, USD thì phải làm cho người dân tin tưởng vào VND, làm cho VND có thể chuyển đổi được. Còn khi nào chưa làm được thì người dân vẫn nắm vàng và USD. - Xin cảm ơn ông! Lưu Thủy thực hiện |