Nhà máy thép của Tập đoàn Thyssen Krupp tại Đức sử dụng công nghệ, dây chuyền sản xuất khép kín giúp tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Mộng Bình
Nhiều doanh nghiệp cho rằng tiết kiệm chi phí và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường là những mục tiêu khó có thể đạt được cùng một lúc trong chiến lược chung hướng tới tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế lại cho rằng hai mục tiêu nói trên có thể song hành và có thể đạt được nhờ vào việc ứng dụng công nghệ phù hợp.
Việt Nam đang phấn đấu đạt mục tiêu cắt giảm 20-30% chi phí năng lượng trong vòng năm năm đến 10 năm tới, và Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tại Hội nghị kinh tế Đức-Việt Nam lần thứ nhất về chủ đề biến đổi khí hậu và năng lượng diễn ra hồi cuối tháng Tư ở TP.HCM đã nói rằng dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, dự kiến sẽ được trình tại kỳ họp Quốc hội trong tháng này bao gồm các quy định và biện pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong lĩnh vực năng lượng.
Kinh nghiệm từ châu Âu
Tổng giám đốc Bộ phận giải pháp công nghiệp của Tập đoàn Siemens (Đức), ông Jens Wegmann, tại cuộc hội nghị báo chí toàn cầu lần thứ 4 về công nghệ khai khoáng và luyện kim diễn ra hồi tháng Năm ở Essen (Đức), đã nêu ví dụ về việc sử dụng công nghệ ESP (Endless Strip Production) tại các nhà máy cán và cuộn thép ở châu Âu đã giúp giảm lượng điện tiêu thụ đến 45%.
Tại các nhà máy sử dụng công nghệ thông thường, thép phải qua các công đoạn đun nóng, làm nguội và đun nóng trở lại trước khi thành một cuộn thép thành phẩm ra lò. Còn với công nghệ ESP, thép miếng được sản xuất và được cuộn ngay khi còn nóng theo một dây chuyền sản xuất khép kín, nhờ vậy tiết kiệm được rất nhiều nhiên liệu và chi phí sản xuất.
Trong phần trả lời câu hỏi của các phóng viên, ông Wegmann cho rằng giảm lượng điện tiêu thụ cũng đồng nghĩa với việc tăng lợi nhuận và góp phần giảm thiểu đáng kể lượng khí các-bon thải vào khí quyển.
Ông Dietmar Skowronn, người quản lý dự án cao cấp thuộc Bộ phận năng lượng của Siemens, trong buổi làm việc với báo giới tại nhà máy sản xuất tua-bin ở thành phố Berlin, dự báo nhu cầu về năng lượng sẽ tiếp tục tăng trên toàn cầu, ngay cả ở những thị trường nhỏ hoặc có tốc độ phát triển chậm. Điều này xuất phát từ thực tế là năng lượng truyền thống (năng lượng không thể tái tạo) sẽ vẫn tiếp tục là nhu cầu thiết yếu trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Kết quả nghiên cứu của Bộ phận năng lượng của tập đoàn Siemens cho thấy một tín hiệu lạc quan: các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng đáng kể, từ mức 3% trong tổng các nguồn cung năng lượng toàn cầu là 20.300 TWh (teraWatt giờ) vào năm 2008 lên 17% của 33.000 TWh vào năm 2030.
Các nguồn năng lượng truyền thống (từ than đá, dầu và khí) chiếm 68% tổng các nguồn cung năng lượng vào năm 2008, sẽ giảm xuống còn 54% trong tổng nguồn cung 33.000 TWh vào năm 2030. Ngoài năng lượng tái tạo, thị phần các nguồn năng lượng hạt nhân cũng tăng từ 13% của năm 2008 lên 15% vào năm 2030.
Giải pháp cho Việt Nam
Trong bối cảnh những mối quan ngại về tình trạng thiếu hụt năng lượng cho sản xuất và sinh hoạt đang tăng lên, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn e dè trong việc bỏ ra một số vốn lớn ban đầu để đầu tư cho các công nghệ, thiết bị giúp tiết kiệm điện và nâng cao năng suất hoạt động. Tuy nhiên, cũng có nhiều công ty đã mạnh dạn đưa ra quyết định không tiếp tục sử dụng máy móc cũ vốn tiêu hao nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường.
Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3 tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là một ví dụ. Ông Đỗ Bá Cảnh, Tổng giám đốc công ty, cho biết vào năm ngoái, công ty đã đầu tư khoảng 10 triệu đô-la Mỹ để mua công nghệ mới cho dự án nâng cấp và mở rộng nhà máy điện nằm trong Khu công nghiệp Phú Mỹ 1 này, và kết quả thu được là công suất của nhà máy đã tăng 4-5%.
Ông Cảnh nhẩm tính với việc nâng công suất phát điện của nhà máy lên thêm khoảng 30MW thì lợi nhuận của công ty sẽ tăng nhiều hơn so với thời gian trước khi nâng cấp công nghệ. Khoản đầu tư này chắc chắn là số tiền quá lớn đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, và thực tế cho thấy nhiều công ty trong nước do không có khả năng tài chính đã phải bỏ cuộc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia công nghệ của Đức thì không phải công nghệ mới nào cũng vượt quá khả năng tài chính của doanh nghiệp, nhất là tại thị trường Việt Nam, nơi mà hơn 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động ở quy mô vừa và nhỏ.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi bên lề cuộc hội nghị về giải pháp và công nghệ phù hợp với Việt Nam, ông Wegmann cho rằng đó là các công nghệ, thiết bị đang được áp dụng phổ biến trên thế giới hiện nay vì như thế sẽ hợp với ngân sách hạn chế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại thị trường này, là những công nghệ phổ biến (mass products) nhưng không lạc hậu, không gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, các chuyên gia quốc tế cũng khuyến nghị rằng các doanh nghiệp mà năng lực tài chính còn hạn hẹp nên chủ động tiếp cận các chương trình của địa phương, các bộ ngành hoặc chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, giảm lượng điện tiêu thụ, tăng khả năng cạnh tranh và góp phần bảo vệ môi trường.
Việc đầu tư cho các công nghệ mới để tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường đang trở thành một yêu cầu thực tế và sẽ ngày càng trở nên cấp bách, trong tình hình giá năng lượng đang có chiều hướng tăng và các nguồn năng lượng truyền thống đang cạn kiệt dần. Ngoài ra, các quy định về vấn đề sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường cũng ngày càng nghiêm ngặt hơn, và ý thức, trách nhiệm của nhà sản xuất đối với môi trường sống của cộng đồng cũng đang được nâng cao.
Năng lượng tái tạo sẽ đáp ứng 9-10% tổng nhu cầu vào năm 2020
Trong chiến lược về năng lượng của Việt Nam được xác định đến 2020 và hướng đến năm 2050, dự kiến các nguồn năng lượng mới, sạch và tái tạo sẽ đáp ứng 9-10% tổng nhu cầu trên cả nước vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, các ngành chức năng cần xây dựng một khung pháp lý có hiệu quả.
Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng nghị định dự thảo khuyến khích phát triển năng lượng mới. Trọng tâm nội dung nghị định này là nhà nước sẽ hỗ trợ như thế nào để phát triển nguồn năng lượng sạch, mà trước hết là do các doanh nghiệp (cả nhà nước và tư nhân) đầu tư.
Việc đầu tư cho các nguồn năng lượng sạch này, theo Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, đòi hỏi nguồn vốn rất lớn và do đó, trong nhiều trường hợp, Chính phủ phải giúp nhà đầu tư tìm nguồn hỗ trợ từ bên ngoài. Ông cho biết Việt Nam đã đề nghị với các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước phát triển, trong đó có Đức, Phần Lan, Đan Mạch và Nhật, hỗ trợ tìm các giải pháp phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng có hiệu quả, giảm thiểu các tác động xấu của sự biến đổi khí hậu.
Theo các chuyên gia, đã đến lúc Việt Nam cần tìm cách đầu tư phát triển các nguồn năng lượng mới để bảo đảm phát triển bền vững, tránh bị lệ thuộc quá vào các nguồn năng lượng truyền thống.
|
TBKTSG