Sáng 14-3, ông Đỗ Văn Trắc (đứng) - chủ tịch HĐQT Samco, và các cổ đông kiên nhẫn chờ người đến dự nhưng đại hội cổ đông đã không diễn ra - Ảnh: CTV
Đó là tình trạng diễn ra ở nhiều công ty cổ phần trong mùa đại hội cổ đông năm 2010. Có công ty phải hủy đại hội vì mời nhưng cổ đông không dự, song cũng có đơn vị mời nhưng lo cổ đông đến đầy đủ không thể phục vụ được. Cả hai trường hợp, thiệt thòi vẫn thuộc về cổ đông.
Méo mặt vì mời không đến
Gần cuối giờ trưa 14-3, hàng trăm cổ đông của Công ty CP Cáp và vật liệu viễn thông (Sacom) phải ra về vì đại hội năm 2010 bị hủy do số cổ đông tham dự chỉ đạt hơn 50% số cổ phần có quyền biểu quyết, trong khi quy định là 65%. Năm 2009 Công ty Sacom cũng phải hủy đại hội cổ đông với lý do tương tự và phải tổ chức đến lần thứ hai mới thành công.
Năm 2009 nhiều công ty niêm yết cũng phải tổ chức lại đại hội lần hai, thậm chí lần ba vì trước đó không tập hợp đủ số lượng cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định. Đầu tháng 7-2009, đại hội cổ đông bất thường của Tập đoàn FPT không diễn ra vì lý do tương tự.
Cổ đông không đến dự vì nhiều lý do. Người được mời không còn giữ cổ phiếu và ngược lại người nắm cổ phiếu lại không được mời. Lý do là trong thời gian từ khi chốt danh sách dự đại hội cổ đông đến khi diễn ra đại hội tối thiểu là 30 ngày, đã có người bán nhưng cũng có người mua cổ phiếu, người mới mua vì thế không nằm trong danh sách được mời dự.
Cũng có nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu của nhiều công ty, do vậy không thể tham dự tất cả các đại hội cổ đông. Nhưng phổ biến là nhà đầu tư nói rằng sở hữu ít cổ phiếu, không mợ chợ cũng đông, hệ quả là chợ vắng quá nhiều mợ - như trường hợp của Sacom, phải hủy đại hội để tổ chức lại. Cũng có nhà đầu tư nói đại hội quá kém, mang tính hình thức nên không dự.
Mời mà... lo
Đó là trường hợp của nhiều công ty cổ phần, ngân hàng có vốn điều lệ lớn với số cổ đông lên đến chục ngàn, thậm chí vài chục ngàn người. Như trường hợp của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có khoảng 81.000 cổ đông. May mắn cho Sacombank là có nhiều cổ đông sở hữu nhiều cổ phần, số cổ đông này nắm giữ trên 65% số cổ phần biểu quyết vì thế dù tổ chức tại hội trường Thống Nhất vẫn có đủ chỗ cho cổ đông ngồi dự.
Tuy vậy, ngoài hội trường chính, Sacombank phải thu xếp cho cổ đông theo dõi đại hội tại các hội trường nhỏ thông qua màn hình. Theo Sacombank, nơi này luôn tổ chức đại hội sớm hơn đơn vị bạn để “xí” được những địa điểm tổ chức tốt nhất.
Mỗi lần tổ chức đại hội, riêng chi phí gửi thư mời cổ đông dự đại hội qua bưu điện đã đến 300 triệu đồng. Tương tự, các ngân hàng như Á Châu, Xuất nhập khẩu VN... có số cổ đông vài ngàn hoặc cả chục ngàn cũng phải vất vả tìm địa điểm tổ chức đại hội cổ đông.
Theo quy định, để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nhỏ, cổ đông nắm giữ nhiều hay ít cổ phiếu đều có quyền tham dự đại hội cổ đông. Những doanh nghiệp có nhiều cổ đông thường gửi thư mời kèm theo giấy ủy quyền để cổ đông có thể ủy quyền cho cổ đông khác đi dự, giúp công tác tổ chức được chu đáo.
Để tiết kiệm chi phí tổ chức đại hội, nhiều đơn vị đưa nội dung của đại hội lên website chứ không gửi kèm theo thư mời cho cổ đông. Nhiều cổ đông bức xúc vì cho rằng không phải cổ đông nào cũng sử dụng Internet nên không thể tiếp cận được thông tin về hoạt động của doanh nghiệp. Bức xúc thế thôi chứ cũng chẳng bắt bẻ được doanh nghiệp.
Nên dự đại hội
Trong đại hội cổ đông, phần quan trọng nhất là cổ đông chất vấn hội đồng quản trị về hoạt động công ty thời gian qua và kế hoạch sắp tới. Thế nhưng với cả ngàn người dự trong khi thời gian chất vấn và trả lời chất vấn chỉ có vài giờ, nên các công ty luôn tìm cách kiểm soát hoạt động chất vấn như hạn chế thời gian chất vấn, yêu cầu chất vấn bằng văn bản, từ chối chuyển micro cho cổ đông...
Nhiều đại hội ban điều hành dành nhiều thời gian đọc các tờ trình, dù tất cả đã có trong tài liệu. Cổ đông ấm ức, nhiều chất vấn hay nhưng câu trả lời chưa thỏa đáng, muốn chất vấn thêm thì bị từ chối. Có đại hội cổ đông phần nội dung mang tính nghi thức diễn ra hết buổi sáng và phần chất vấn rơi vào giờ nghỉ trưa nên chẳng còn mấy cổ đông kiên nhẫn để nêu ý kiến.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng năng lực điều hành của hội đồng quản trị là một trong những vấn đề được nhà đầu tư đặt ra cho doanh nghiệp. Vì vậy nhà đầu tư nên tham dự đại hội cổ đông để có thông tin cụ thể, chân thực về tình hình kinh doanh và tình hình quản trị doanh nghiệp của nhà điều hành.
Nếu cổ đông thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của mình, tham dự và có ý kiến sẽ giúp công ty phát triển tốt hơn. Không dự đại hội, phần thiệt hại cuối cùng vẫn thuộc về cổ đông.
Theo quy định, cổ đông không tham gia có thể ủy quyền, kể cả cho hội đồng quản trị hoặc đại diện của trung tâm lưu ký chứng khoán. Tuy nhiên, phần lớn cổ đông không nắm nhiều cổ phiếu đều không sử dụng quyền của mình. Theo một chuyên gia chứng khoán, cần có hướng dẫn cụ thể về việc ủy quyền cho trung tâm lưu ký như thế nào, đây cũng là thông lệ nhiều nước áp dụng. Điều này giải quyết được bất cập tỉ lệ cổ đông tham dự đại hội cổ đông. Bởi thực tế có những cổ đông ở Hà Nội chỉ sở hữu số lượng cổ phiếu nhỏ nhưng đại hội cổ đông tổ chức tại TP.HCM. Nếu vào TP.HCM dự sẽ tốn kém, do vậy cổ đông không thực hiện quyền của mình. Cũng theo vị chuyên gia này, ở nước ngoài có những tập đoàn có hàng triệu cổ đông, không có hội trường nào chứa đủ. Tuy nhiên, họ vẫn tổ chức thành công thông qua họp trực tuyến. Trường hợp công ty phải hủy đại hội cổ đông do số cổ đông tham dự không đủ 65% số cổ phần có quyền biểu quyết thì công ty tổ chức lại đại hội sau một tháng và chỉ cần tỉ lệ 51%, nếu vẫn không đủ thì tổ chức lại lần ba mà không bị lệ thuộc vào số cổ đông tham dự là bao nhiêu. |
TRUNG SƠN - H.ĐĂNG