TIN LIÊN QUAN
Do ẩn chứa quá nhiều rủi ro (giao dịch giấy tờ tay, mua phải đất nông nghiệp…), không ít trường hợp khách hàng là người có thu nhập thấp, vì thiếu thông tin đã phải chịu cảnh “tiền mất tật mang”.
Rao bán nhà xây dựng trái phép
Anh Đỗ Văn Xiêm (quê Ninh Bình) đã mua được một miếng đất nền dự án ở khu vực Dĩ An (Bình Dương) rộng hàng trăm m2 nhưng do khoảng cách về TP.HCM gần 20km, trong khi tuyến đường này thường xuyên tắc nghẽn nên anh muốn tìm một nơi ở tại các quận vùng ven của TP.HCM.
Ròng rã cả tháng trời, được cò đất dẫn xem hàng chục chỗ nhưng hầu hết anh đều bị cò đất, thậm chí cả chủ đất tìm cách bưng bít thông tin mà theo anh Xiêm “nếu không tỉnh thì mất tiền như chơi…”.
Theo lời "cò" Vân, ngôi nhà đã có người ở nhiều năm. Thế nhưng quan sát căn nhà, chúng tôi nhận thấy mặc dù 4 bức tường đã mọc kín rêu nhưng mái tôn còn rất mới được gá lên những thanh xà gồ đơn giản và chiếc công tơ điện cũng mới chạy được vài kwh. Vân huyên thuyên: "Ngôi nhà này mua bán bằng giấy tờ tay và có thể sửa chữa được". Tuy nhiên, khi hỏi đến những giấy tờ nhà đất cụ thể thì cò đất "dối quanh dối co".
Dò hỏi những người hàng xóm của căn nhà này, anh Xiêm được biết, đây là căn nhà xây dựng trái phép nhiều năm đang chờ phá bỏ. Khi nhà bên cạnh xây dựng, họ đã gá tạm những cây xà gồ và lợp những tấm tôn lên để gửi nhờ vật liệu xây dựng. Không hiểu bằng cách nào chủ nhà lắp được công tơ điện và rao bán từ hơn một tháng nay…
Ngỏ ý muốn xem những chỗ khác, anh Xiêm được "cò" Vân dẫn đi xem nhiều chỗ khác nhưng đều mập mờ về thông tin. Có những khu đất được xây dựng ngay dưới luồng điện cao thế. Dù vậy, "cò" luôn miệng trấn an: "Người ta ở đầy ra đó, có chết ai đâu…”.
Người bán cũng mắc bẫy Ông Đinh (quận Bình Thạnh) cho biết, cách đây 4 năm, ông mua miếng đất 150m2 tại hẻm lớn đường Lê Văn Khương, P. Thới An (Q. 12), với giá 2 triệu đồng/m2. Do không tìm hiểu kỹ, hoàn thành thủ tục giấy tờ xong ông mới biết đó là khu đất nằm trong dự án quy hoạch và chủ nhà tìm cách bán tống bán tháo. Ông Đinh tự nhủ mình đã gặp vận xui, thế nhưng chỉ 1 năm sau đó, khi có quyết định bỏ dự án, giá đất tại khu vực này tăng vọt, vị chủ đất cũ không ít lần gặp ông Đinh “than thân trách phận”… bởi chính mảnh đất đó ngay khi có quyết định bỏ quy hoạch đã tăng gấp 5 lần thời điểm bán, lên 10 triệu đồng/m2. |
Tương tự, anh Trung, quê Thái Bình là nhân viên kinh doanh một công ty liên doanh tại Q. 1 cho biết, anh vừa được "cò" đất giới thiệu tới một căn nhà rộng 40m2, một trệt, một lầu cách ngã tư Bình Triệu (Q. Thủ Đức) hơn 1km, theo hướng chạy ra cầu Gò Dưa, với giá 370 triệu đồng.
Ban đầu anh Trung chỉ băn khoăn một điều là hẻm ra vào quá hẹp, chỉ rộng chừng 2m. Thấy giá cả vừa túi tiền lại có thể di chuyển sang các quận trung tâm nhanh chóng nên anh Trung quyết định mua.
Thế nhưng khi chuẩn bị đặt cọc, theo lời khuyên của nhiều người anh lên phường tìm hiểu thông tin về căn nhà mới ngã ngửa vì đây là căn nhà được xây dựng trên diện tích trồng lúa được chủ nhà cắt lô bán liều. Toàn bộ khu vực nằm trong dự án quy hoạch mở rộng ga Bình Triệu và thời hạn sử dụng khu đất này còn có 8 năm….
Nhiều công ty môi giới khẳng định, trong lúc với những nhà lẻ trong hẻm có giá 3 – 5 tỉ đồng/căn rất khó giao dịch vì những nhà này khách hàng là người có thu nhập cao lại không muốn mua vì đường vào thường nhỏ. Vì vậy, những căn nhà có giá từ 1,5 tỉ đồng trở xuống luôn trong tình trạng sốt do đối tượng khách hàng phong phú hơn.
Coi chừng “tiền mất tật mang”
Một "cò" đất tự do tên Bân (P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức) cho biết, khách hàng chủ yếu là dân nhập cư từ các tỉnh đã có công việc ổn định nhiều năm muốn định cư lâu dài tại thành phố. Do cầu lớn hơn cung nên không ít trường hợp người mua vẫn chấp nhận rủi ro khi mua những mảnh đất chỉ bằng giấy tờ tay….
Thei anh Thùy, nhân viên môi giới của Công ty Phát Hưng (Q. 1), nhu cầu khách hàng tìm mua nhà lẻ, giá bình dân tăng vọt. Do cầu lớn hơn cung, thị trường này đã hình thành mặt bằng giá chung khá cao ở hầu hết các quận huyện. Ở Nhà Bè, Thủ Đức, Q. 12 (khu vực giáp ranh với Hóc Môn)… nếu nằm ở mặt tiền hẻm, xe hơi có thể vào sẽ có mức giá phổ biến từ 8 – 10 triệu đồng/m2, còn hẻm sâu thì giao động từ 4 – 7 triệu đồng/m2.
Theo anh Thùy, mức giá này đã cao hơn ít nhất 20% so với thời điểm trước Tết và với tình hình giao dịch như hiện tại giá sẽ vẫn tiếp tục lên. Theo nhận định của bộ phận môi giới, khu vực Q.12 giáp ranh với Hóc Môn hiện nay được xem là “an toàn nhất và còn có thể tìm được nhiều căn phù hợp với túi tiền cho những khách hàng thu nhập thấp.
Ông Nguyễn Xuân Lộc, Phó giám đốc một công ty kinh doanh địa ốc ở Q.2 cho biết, thị trường nhà lẻ phản ánh nhu cầu thực hơn, khi rất nhiều đối tượng có nhu cầu mua và sử dụng. Tuy nhiên chính vì nhu cầu lớn, trong khi những sản phẩm loại này không phải là nhiều nên cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Vì vậy theo ông Lộc, người mua phải đảm bảo về quy hoạch, lên phường hay phòng xây dựng tìm hiểu thông tin về những mảnh đất đó, tránh tình trạng tiền mất, tật mang, đặc biệt với những khu đất nằm trong khu quy hoạch.
Tình trạng không giao dịch qua sàn, mà qua đội ngũ “cò địa phương” cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Những người này thêu dệt nên những thông tin tốt đẹp về những mảnh đất, căn nhà ở khu vực đó khiến người tiêu dùng rất dễ… “bùi tai”.
Theo ông Lộc, ở khu vực Q.12, Bình Chánh (hu vực Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B)… có một bộ phận đầu cơ, sử dụng quỹ đất nông nghiệp sau đó phân lô bán với giá rẻ… Bằng nhiều cách khác nhau, những người này vẫn có thể xây dựng nhà cửa nhằm đánh lừa người mua.
“Người mua cần biết rõ thông tin quy hoạch của đất hoặc nhà, trong trường hợp là đất thổ vườn mà không vướng quy hoạch thì vẫn có thể tiến hành mua bán vì đa phần những khu đất này đều có thể thực hiện chuyển đổi. Nếu đất nông nghiệp thì không nên mua bán. Cần có nhà tư vấn tin cậy, xác định độ tin cậy”, ông Lộc khuyên.
-
Khánh Vy