Khách nước ngoài trong một quán bar tại Hà Nội. (Ảnh: datviet)
Các khách sạn, doanh nghiệp lữ hành như "mở cờ trong bụng" khi Chính phủ vừa đồng ý cho phép các khách sạn 4 sao được thực hiện thí điểm việc mở cửa đến 2h sáng, thay vì phải đóng cửa lúc 24h như hiện nay.
Vẫn phải chờ hướng dẫn
"Khách nước ngoài thích ăn tối xong đi dạo, đi chơi hay mua sắm, nhưng đến Việt Nam chỉ được đi dạo. Về các tỉnh lẻ còn chẳng có gì để mua sắm, khách ở 2-3 đêm phát chán" - ông Lê Hoàng Khánh Long, Phó Giám đốc Công ty Liên doanh Du lịch Exotissimo, ngao ngán. Giờ thì giới khách sạn, du lịch phấn khởi hơn bởi các khách sạn 4 sao sẽ được mở cửa đến 2h sáng.
Ông Hoàng Nhân Chính, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH TNT-JTB tại Hà Nội, nhận xét, thông thường, khách nghỉ ở khách sạn thường gồm 3 đối tượng chính:
Thứ nhất, khách đi theo tour. Khách này thường kín lịch trình vào ban ngày, đến tối chỉ đi chơi một chút rồi về ngủ để hôm sau còn đi tour tiếp. Thứ hai, khách thương nhân không đi tour qua công ty du lịch mà chỉ đến làm việc, hay có nhu cầu giải trí khuya. Thứ ba, nguồn khách vãng lai, người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam hoặc người Việt có nhiều tiền.
Theo ông Chính, nguồn khách có nhu cầu chơi khuya nhiều nhất có lẽ là loại thứ ba.
"Thường thì tỷ lệ khách ở khách sạn 3 sao là nhiều nhất, 4 sao ít dần, 5 sao ít hơn nữa. Khách sạn 5 sao nhiều khi chỉ 15-20% khách du lịch vào đó ở, còn 70-80% là khách thương nhân.
Trong khi đó, khách sạn 4 sao thường lớn, biệt lập với khu dân cư nhiều hơn nên ưu tiên cho đối tượng này là đúng, còn khách sạn 3 sao nhiều, nằm xen lẫn với dân cư nên khó", ông Chính nói.
Ông Long nhìn nhận, việc Chính phủ thực hiện thí điểm cho các khách sạn 4 sao được mở cửa đến 2h sáng là giải pháp kịp thời, đúng đắn.
Điều này cũng có ý nghĩa đặc biệt với TP.HCM - thành phố du lịch lớn nhất cả nước. Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) Lê Anh Tuyến, kết quả một cuộc khảo sát tại TP.HCM của cơ quan này cho thấy, 77% khách du lịch thuộc 25 quốc tịch có nhu cầu giải trí từ 0 đến 2h.
Giám đốc Sở VH-TT và Du lịch TP.HCM Lã Quốc Khánh cho biết, trong số 52 khách sạn 3-5 sao ở thành phố, số khách sạn còn duy trì những quán bar, vũ trường còn rất ít.
TIN LIÊN QUAN |
---|
"Chúng tôi đã kiến nghị từ 4 năm nay lên HĐND thành phố nhưng chờ mãi TP cũng chưa quyết định có cho phép khách sạn mở cửa đến 2h sáng hay không.
Với sự đồng ý của Chính phủ, ngay trong cuộc họp triển khai tiếp theo kế hoạch phát triển du lịch tuần này của TP.HCM, chúng tôi sẽ xem xét báo cáo lên thành phố để xin triển khai sớm", ông Khánh phấn khởi.
Tại Hà Nội, khách sạn Hà Nội đón rất nhiều người nước ngoài vào bar muộn. Một quản lý ở đây tiết lộ khách đã từng phản ứng về quy định lâu nay phải về trước 12h đêm này.
Do vậy, vị này vui mừng vì chủ trương mở cửa muộn hơn sẽ giúp khách được giải trí một cách chính đáng, bởi ngay cạnh Việt Nam là các thiên đường giải trí “không ngủ” đầy hấp dẫn tại Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc... được quy hoạch riêng, hoạt động suốt đêm hoặc tới 3-4 giờ sáng.
Thông tin này cũng khiến các khách sạn 3-4 sao khác có quan bar, vũ trường như Bảo Sơn, Fortuna, Oasis... như "mở cờ trong bụng". Trước mắt, các khách sạn này vẫn phải đóng cửa lúc 24h vì còn phải chờ quy chế, hướng dẫn thực hiện từ Tổng cục Du lịch.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Vũ Thế Bình, phụ trách Vụ Lữ hành của Tổng cục Du lịch, cho biết, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng là sẽ chỉ làm thí điểm ở một số khách sạn 4 sao giai đoạn từ nay đến cuối năm.
Tổng cục Du lịch sẽ sớm xây dựng quy chế về phạm vi hoạt động của khách sạn, các loại hình dịch vụ được triển khai... nhằm kiểm soát hiệu quả về an ninh trật tự tại các địa điểm giải trí này.
Sân chơi bình đẳng
Một trong những kiến nghị khác của Tổng cục Du lịch được Chính phủ đồng ý là cho phép các doanh nghiệp (DN) lữ hành liên doanh được đưa khách nội địa và người nước ngoài ở Việt Nam đi du lịch nước ngoài.
Ông Vũ Thế Bình cho rằng, xác định đây là giai đoạn khó khăn nên Tổng cục "mở cửa" để các DN được làm, bởi chúng ta không khuyến khích hoạt động này đối với các đơn vị có đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, đây lại là đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất khi khủng hoảng kinh tế xảy ra vì họ liên doanh kiểu độc canh, chỉ một loại hình duy nhất là đưa khách quốc tế vào Việt Nam (inbound).
Do vậy, Tổng cục Du lịch sẽ tạo điều kiện để các DN loại hình này khai thác tốt nhất năng lực của mình với thị trường quen thuộc (đối tác liên doanh). Mục đích chính là giúp họ có thể sớm quay lại công việc chính là đón khách inbound.
"Tuy là mở nhưng phải phù hợp với thị trường mỗi DN, còn nếu thả tự do hoàn toàn có khi lại trở thành nơi núp bóng cho người khác hoạt động", ông Bình phân bua.
Hiện nay các DN này đều mong chờ hướng dẫn sớm nhất của Tổng cục Du lịch để có thể triển khai càng sớm càng tốt. Ông Bình nói rằng, sắp tới sẽ tổ chức một hội nghị các nhà đầu tư trong lĩnh vực lữ hành tại Việt Nam để triển khai.
Nhiều DN du lịch sốt ruột, cho rằng chờ đợi khi có hướng dẫn của Tổng cục là rất lâu và DN sẽ mất cơ hội kinh doanh mùa outbound năm nay.
Ông Hoàng Nhân Chính phàn nàn sẽ phải mất một vài tháng mới có văn bản hướng dẫn, rồi lại mất 1-2 tháng chuẩn bị. Trong khi đó, mùa outbound thường chỉ kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9, người Việt ít đi du lịch mùa đông.
Phó Giám đốc Exotissimo Lê Hoàng Khánh Long lạc quan hơn khi quan điểm nếu doanh nghiệp làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu thì ở các mùa bất lợi như mùa đông vẫn tổ chức được.
Trái chiều với các ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Cử, Phó Giám đốc Công ty Liên doanh Hồ Gươm - Diethelm, cho rằng, không phải tất cả các DN inbound đều có nhu cầu đưa khách đi du lịch nước ngoài.
"Quốc tế, như các nước châu Âu chẳng hạn, cũng chia làm hai loại DN là inbound và outbound. Không phải DN nào cũng làm cả hai chức năng trên. Outbound ở châu Âu vào Việt Nam thành inbound. Nếu doanh nghiệp liên doanh trong nước cũng làm outbound thì phải tìm đối tác khác, khi đó lại phải xây dựng guồng máy mới thì mới chạy tốt được", ông nhấn mạnh.
Hà Yên