“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Chứng khoán và bất động sản gặp khó

Giao dịch trầm lắng nhưng giá nhà đất vẫn ở mức cao. Ảnh: HỒNG THÚY

Theo các chuyên gia, hai thị trường này sẽ khó hồi phục nhanh nhưng vẫn có cơ hội cho đầu tư giá trị

    Đánh giá của các chuyên gia kinh tế về mức độ ảnh hưởng đến thị trường trước thông tin thắt chặt tín dụng vào chứng khoán và bất động sản còn khác nhau. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đều cho rằng rất khó để hai thị trường này bật dậy vào thời điểm hiện nay dù giá cổ phiếu đã liên tục giảm trong nhiều ngày qua cũng như thị trường địa ốc lạnh lẽo cả năm nay.

     
    Bọt bèo cổ phiếu
     
    Phiên giao dịch cuối tuần (ngày 4-3), cả hai sàn chứng khoán đã tăng điểm trở lại sau nhiều phiên giảm mạnh (VN-Index tăng 6,89 điểm, lên 459,23 điểm; HNX-Index tăng 0,81 điểm, đạt 90,93 điểm). Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư nhìn nhận chỉ số tăng là do thị trường được “đánh lên” bởi một số mã vốn hóa lớn. Tính chung tuần qua, VN-Index đã giảm điểm khoảng 12%, còn HNX-Index mất khoảng 7%. Khối lượng và giá trị giao dịch vẫn chưa có nhiều cải thiện.
     
    Giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng hiện tại, chi phí vốn để doanh nghiệp (DN) sản xuất có lãi là rất cao nên dù có bơm vốn nhưng DN ngại vay và dù có vay nhưng không dễ làm ăn hiệu quả. Bên cạnh đó, không ít nhà đầu tư lo ngại lạm phát sẽ còn tiếp tục tăng do việc xăng, dầu, điện tăng giá chỉ vừa mới chính thức áp dụng, hệ quả của nó sẽ được phản ánh trong một, hai tháng tới...
    Giám đốc một quỹ đầu tư cho rằng nếu lạm phát cao, khả năng chứng khoán có thể sẽ giảm sâu hơn, VN-Index dưới mức 450 điểm. Ông Lương Biện Nhân Quyền, Trưởng Bộ phận Tư vấn khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Mekong, cho rằng trong ngắn hạn, thị trường khó có thể hồi phục mạnh.
     

    Việc thắt chặt tín dụng, đặc biệt là giảm mạnh dòng tiền vào hai kênh chứng khoán và bất động sản là giải pháp cần thiết lúc này. Tuy nhiên, khi kinh tế ổn định trở lại, hai ngành chứng khoán và bất động sản sẽ bật dậy đầu tiên. Bên cạnh đó, mặc dù trầm lắng nhưng cả chứng khoán và bất động sản đều có cơ hội tốt để đầu tư giá trị.

    TS Lê Vũ Nam (ĐH Quốc gia TPHCM)

    Hiện tại, cơ hội dành cho nhà đầu tư dài hạn là đã rõ, còn những nhà đầu tư lướt sóng có thể xem xét các ngưỡng quan trọng để mua vào hay bán ra. Nếu VN-Index vượt mức 473 điểm, nhà đầu tư có thể bán ra. Ngược lại, nếu trở về 450 điểm, nhà đầu tư có thể xem xét mua vào.
     
    Nhà đất co cụm
     
    Một nhân viên môi giới nhà đất tại quận 7 – TPHCM cho biết vào thời điểm này lẽ ra giá đất ở khu Sadeco Phước Kiểng (Nhà Bè) phải nhích lên bởi đường dẫn vào dự án đang triển khai, một số dự án xung quanh cũng sắp hoàn thiện nhưng thực tế giá bán đất tại khu vực này đang giảm khoảng 10% so với trước Tết Nguyên đán. Một số dự án căn hộ chung cư cũng sắp hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng giá vẫn không nhích lên.
     
    Phó tổng giám đốc một công ty địa ốc đang niêm yết trên sàn chứng khoán cho biết công ty đã tạm gác kế hoạch mở rộng đầu tư mà phải co cụm lại, tập trung vốn để hoàn thành các dự án đang triển khai. Nếu thiếu vốn sẽ phát hành cổ phiếu với giá có thể chấp nhận được để có vốn cho việc hoàn thành dự án.

    Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng với chính sách thắt chặt tín dụng, cộng với lãi suất cho vay của ngân hàng như hiện nay, có thể nói năm 2011, các DN bất động sản sẽ tiếp tục khó khăn, khi đầu ra giảm thì chi phí tăng lên, sức mua trên thị trường càng giảm...

     
    Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, cơ hội có thể đến với những dự án có giá thấp. Và đây cũng là thời gian thuận lợi cho người mua nhà để ở vì giá sẽ cạnh tranh và sản phẩm đa dạng, phong phú hơn.
    SƠN NHUNG