“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Chứng khoán lạc quan với tín hiệu vĩ mô

 
 Liên tiếp hai ngày gần đây, hàng loạt thông tin vĩ mô và quyết định điều hành chính sách đã ảnh hưởng tích cực đến tâm lý TTCK. Ngày 4.3, sau hơn hai tháng trầm lắng, lần đầu tiên quy mô giao dịch cả hai sàn trở lại mức trên 3.000 tỉ đồng. Đó là tín hiệu đầu tiên về sự tin tưởng đối với triển vọng dài hạn của DN.

Tín dụng tăng trưởng

Tại phiên họp báo Chính phủ ngày 3.3, khá nhiều thông tin quan trọng về chính sách tiền tệ được hé lộ theo hướng nới lỏng hơn. Theo nhiều phân tích, điều này sẽ tác động tích cực đến tâm lý thị trường vì vấn đề thanh khoản ngân hàng, khả năng cung ứng vốn cho DN được quan tâm hàng đầu hiện nay.

Câu chuyện tăng trưởng tín dụng được chú ý khi tốc độ tăng trưởng thời điểm tháng 12.2009 và tháng 1.2010 rất thấp, chỉ tương ứng 0,72% và 0,26%. Câu chuyện về DN khó vay vốn cũng được đăng tải khá nhiều, đi kèm với mức lãi tín dụng quá thấp do chênh lệch không đáng kể giữa lãi suất đầu vào và lãi suất cho vay, mức huy động vốn từ dân cư thấp.

Theo số liệu mới công bố từ NHNN, tăng trưởng tín dụng tháng 2.2010 đạt 1,14%. Như vậy tính chung 2 tháng tăng trưởng chỉ là 1,4%, trong khi hai tháng cùng kỳ 2009 là 1,82%.

NHNN cũng thông báo lượng vốn khả dụng dư thừa của hệ thống ngân hàng từ trước tết là 13.000 tỉ đồng và hiện đã tăng lên 30.000 tỉ đồng. Cơ chế cho vay thỏa thuận với các khoản trung và dài hạn được đưa ra đúng thời điểm được kỳ vọng dòng vốn hướng vào sản xuất kinh doanh sẽ chảy nhanh hơn.

Đặc biệt ngày 3.3, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy còn cho biết, hiện NHNN đang nghiên cứu theo hướng có thể lãi suất ngắn hạn cũng được thỏa thuận và tìm biện pháp để gỡ bỏ trần lãi suất huy động 10,5%/năm.

Theo thông lệ, thường hai tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng thấp. Tuy nhiên, tín dụng sẽ tăng mạnh vào tháng 3. Năm 2009, tháng 3 tín dụng tăng tới 4,11% so với mức 1,16% của tháng 2.

Ông Thúy cũng cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo cho Bộ Tài chính và NHNN bàn về việc ngân sách có thể tạm ứng từ NHNN thông qua việc bán trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn như một khoản vay tạm ứng để không gây áp lực trên thị trường tiền tệ.

Theo quan điểm này thì vay kỳ hạn ngắn và trả lại không ảnh hưởng đến tổng cung ứng tiền cả năm và có thể trả lại những khoản tạm ứng kho bạc, bảo hiểm cho các tổ chức và các tổ chức này vẫn đang gửi tiền ở các NH. Vì vậy tiền gửi của các NH sẽ dồi dào hơn, huy động vốn sẽ đỡ khó khăn.
 
Theo số liệu của NHNN, vốn huy động 2 tháng đầu năm giảm 0,17% chủ yếu do tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm 5,94%. Tuy nhiên, tiền gửi của dân cư đã tăng 5,57%.

Vòng quay của chu kỳ kinh doanh

Theo chuyên gia phân tích Fiachra Mac Cana của HSC, TTCK đang phản ứng tích cực trước thông tin GDP quý I/2010 có thể tăng trưởng 5,7-5,9% so với cùng kỳ năm ngoái theo như dự báo của Tổng cục Thống kê.

“Đã có những lo ngại về việc nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại trong quý I, nhưng nếu mức tăng trưởng có thể đạt được những con số nêu trên thì có thể nói nền kinh tế sẽ có một khởi đầu hết sức tốt đẹp cho năm nay. Lĩnh vực nông nghiệp có vẻ tăng trưởng khá tốt và lĩnh vực sản xuất dự kiến cũng sẽ tăng trưởng mạnh so với năm ngoái. Còn gần 1 tháng nữa mới hết quý và tăng trưởng GDP quý I có khả năng thậm chí còn cao hơn dự báo” - chuyên gia này dự đoán.

Với mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay, khả năng chính sách tiền tệ sẽ khó có biện pháp thắt chặt thêm. Mặt khác, so với giới hạn tăng trưởng tới 25%, tốc độ tín dụng hiện tại còn rất nhiều dư địa. DN hậu khủng hoảng sẽ được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như định hướng ưu tiên cho phục hồi kinh tế.

Một quan điểm của ông Mike Smith - TGĐ Tập đoàn ANZ - trong buổi gặp gỡ báo chí đầu tuần này cho rằng, lạm phát luôn là một vấn đề, nhưng thà phải giải quyết vấn đề đó còn hơn là phải đương đầu với vấn đề mà các quốc gia trên thế giới hiện nay đang vấp phải, đó là việc phục hồi kinh tế quá chậm và vẫn đang thiểu phát.

“Tín hiệu tích cực đầu tiên đối với thị trường là yếu tố dòng tiền” - phân tích của CTCK Eurocapital nhận xét. Khi tín dụng ngân hàng có triển vọng tăng dần thời gian tới với động thái nới lỏng tín dụng đang được thực hiện, thị trường đã chứng minh điều này khi mức thanh khoản liên tiếp tăng mạnh trở lại.

Ngày 4.3, tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn CK đã đạt 3.297,4 tỉ đồng, tăng 2,1 lần so với bình quân của tuần trước. Mức thanh khoản tăng là biểu hiện rõ ràng nhất của sự kỳ vọng nhiều hơn vào khả năng tăng trưởng của thị trường.

Hoàng Nguyên