Phiên 7/9, sắc xanh phủ khắp trên bảng điện tử từ châu Âu sang Á. Đồng thuận từ cuộc họp G20 nhằm vực dậy hệ thống tài chính thế giới, giúp nhà đầu tư lạc quan về viễn cảnh sáng sủa của nền kinh tế cuối năm.
Phiên đầu tuần, nhà đầu tư tại châu Âu, Á tích cực tham gia bắt đáy thị trường sau khi phố Wall phát tín hiệu phục hồi mạnh trong phiên cuối tuần trước. Tuy không có nhiều thông tin kinh tế vĩ mô hỗ trợ tích cực, song việc giá cổ phiếu đang dao động quanh những ngưỡng hợp lý sau đợt điều chỉnh sâu trước đó, khiến nhà đầu tư không thể đứng ngoài thị trường.
Kết quả từ cuộc họp các Bộ trưởng của nhóm 20 quốc gia giàu nhất thế giới G20 tại London cho thấy, hệ thống tài chính thế giới đã có những chuyển biến theo chiều hướng đi lên kể từ khi những gói cứu trợ thanh khoản của chính phủ các nước đi vào thực tiễn. Đồng thời, việc G20 cam kết sớm lên khung kế hoạch hành động nhằm trách lặp lại một cuộc khủng hoảng tài chính thế giới - cuộc khủng hoảng gây tổn thất khoảng 1,6 nghìn tỷ đôla giá trị sổ sách của các nhà băng kể từ năm 2007, giúp củng cố niềm tin cho nhà đầu tư khi ra các quyết định mua trên giá tham chiếu.
Chứng khoán châu Á bật tăng với biên độ mạnh nhất trong 2 tuần. Cổ phiếu ngành ngân hàng dẫn đầu đà phục hồi sau giai đoạn điều chỉnh sâu. Chỉ số tổng hợp 23 hàn thử biểu khu vực MSCI đánh dấu ngày tăng điểm thứ ba liên tiếp bằng phiên tích lũy 1,1%, leo lên ngưỡng 114,06 điểm.
Tại Tokyo, đầu tàu dẫn dắt thị trường thuộc về cổ phiếu các tập đoàn công nghệ và sản xuất thiết bị điện tử do dự báo triển vọng kinh doanh khả quan trên thị trường toàn cầu, kéo chỉ số Nikkei 225 bứt phá 1,3%, lên 10.320,94.
Sàn chứng khoán Thượng Hải nối dài chuỗi ngày phục hồi sang phiên thứ năm, chỉ số Shanghai Composite tiếp tục tăng 0,7%. Những nỗ lực nhằm vực dậy lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường cổ phiếu của Chính phủ Trung Quốc trong thời gian quan đang mang lại hiệu ứng rõ rệt. Cùng ngày, Bộ tài chính ban hành thông tư về việc tăng số quỹ đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Trung Quốc, đồng thời, cam kết sẽ vẫn tiến hành các cuộc IPO theo đúng lộ trình đã đặt ra.
Hòa chung bầu không khí lạc quan trên toàn khu vực, các chỉ số Hang Seng của Hong Kong, BSE Index (Ấn Độ), Taiwan Weighted của Đài Loan cùng tăng trong khoảng từ 1,5% đến 1%. Chứng khoán Australia và Singapore nhích nhẹ lần lượt là 04% và 0,2%.
Chứng khoán châu Âu thăng hoa ngày thứ ba liên tiếp. Cổ phiếu các nhà sản xuất thực phẩm và khai mỏ tăng giá mạnh. Trong đó, việc giá cổ phiếu tập đoàn sản xuất bánh kẹo lớn nhất thế giới Cadbury Plc có trụ sở chính tại châu Âu, tăng 32% ngay sau thông tin Cadbury từ chối lời đề nghị mua lại trị giá 16,7 tỷ đôla từ nhà chế biến thực phẩm của Mỹ Kraft Foods Inc, đã nhanh chóng gây ảnh hưởng tích cực đến tất cả các cổ phiếu khác cùng ngành.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số tổng hợp 18 sàn chứng khoán Eurozone DJ Stoxx 600 tăng 1,4%, lên 237,01 điểm. Đồng loạt chỉ báo của 19 nhóm ngành công nghiệp thuộc chỉ số này bật xanh. Tại London, chỉ số FTSE 100 thăng hoa 1,7%, trong khi đó, tại Đức và Pháp, các chỉ số DAX 30 và CAC 40 cùng tiến 1,5%. Văn phòng Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, số đơn đặt hàng của các nhà máy Đức tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 7, theo đó củng cố vững chắc đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Chứng khoán Mỹ hôm qua nghỉ lễ Lao động.
Nguyễn Hùng