|
Doanh Nghiệp Nhà nước cần phải
năng động hơn trong cơ chế mới.
Ảnh: TTXVN |
Để lành mạnh hoá hoạt động của các tập đoàn, TCty nhà nước, Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ rõ: “Cần có giải pháp xử lý sớm, kiên quyết, dứt điểm các TCty, Cty nhà nước hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài... ”.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội - ông Hà Văn Hiền - chủ trì đoàn giám sát thực hiện nghị quyết của Quốc hội về việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, TCty nhà nước - đã có cuộc trao đổi với PV Lao Động. Ông Hiền cho biết:
- Nghị quyết của QH đã đánh giá một cách khách quan những đóng góp quan trọng của các TĐ, TCty nhà nước trên nhiều lĩnh vực, tuy nhiên trong quá trình thực hiện thì còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện, kể cả sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước đối với việc sử dụng vốn, tài sản của các TĐ, TCty như tới đây, nghị quyết QH yêu cầu Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung các luật liên quan và sớm trình QH ban hành Luật Sử dụng vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào kinh doanh.
Liên quan đến những TCty, Cty nhà nước hoạt động không hiệu quả, để thua lỗ kéo dài nhiều năm, nghị quyết của QH cũng đặt vấn đề phải xử lý nhanh, xử lý quyết liệt đối với những đơn vị này.
Lấy ví dụ như TCty Xây dựng đường thuỷ thuộc Bộ GTVT, 3 năm liền vốn chủ sở hữu đều bị âm, hay TCty Dâu tằm tơ, nghị quyết của QH yêu cầu phải kiên quyết cho phá sản DN. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đang nảy sinh nhiều vướng mắc.
Cá nhân tôi cho rằng, các quy định pháp lý về phá sản đã có cả rồi, vấn đề là chỉ đạo phải cương quyết và vướng đến đâu, các bộ, ngành cần phải tiếp tục tháo gỡ. Thời gian qua, đúng là có việc chỉ đạo thiếu kiên quyết ở một số bộ, ngành, địa phương đối với việc phá sản các DN, vì vậy tới đây, vấn đề này cần phải được làm quyết liệt, rốt ráo hơn...
- Có một thực tế đang diễn ra là nếu áp dụng quy định của Luật Phá sản DN thì còn nhiều cái vướng. Còn áp dụng các hình thức giao, bán khoán DN cũng gặp nhiều khó khăn. Liệu tới đây có nên quy định thu hẹp diện DN nhà nước phải nắm giữ CP không, thưa ông?
|
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền. | - Thực ra, buộc DN phá sản chỉ là biện pháp cuối cùng. Trong quá trình sắp xếp DNNN để đảm bảo hoạt động hiệu quả, có nhiều hình thức có thể áp dụng với mục đích làm sao để củng cố DN, để DN đó hoạt động sản xuất tốt lên, không rơi vào tình trạng bị thua lỗ kéo dài nữa, vì vậy nếu có thể áp dụng các biện pháp giao, bán, khoán DN cho tập thể người lao động, hoặc chuyển đổi sở hữu thì không nhất thiết phải phá sản DN đó.
Tuy nhiên, trên thực tế có những DN hoạt động không hiệu quả, để kéo dài quá lâu rồi mà không xử lý được, làm hết cách mà vẫn không vực dậy được thì dứt khoát phải áp dụng hình thức phá sản, vì càng để kéo dài thì càng gây những hệ lụy cho nền kinh tế.
Đối với việc thu hẹp diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần, điều này cần phải làm tích cực hơn nữa. Bởi mục tiêu là đa dạng hoá sở hữu, Nhà nước chỉ cần nắm CP ở một số DN then chốt. Trong quá trình giám sát các TĐKT, TCty nhà nước, phần vốn Nhà nước được đưa về đầu mối TCty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý và SCIC đã tiến hành bán một số CP mà Nhà nước không cần giữ chi phối. Song, chúng tôi kiến nghị cần bổ sung cơ chế chính sách cho SCIC để DN này hoạt động hiệu quả, như làm rõ địa vị pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại DN, mối quan hệ với cơ quan quản lý vốn, cơ quan quản lý nhà nước...
- Liên quan đến việc thành lập các TĐ kinh tế, TCty nhà nước, nghị quyết QH cũng yêu cầu cần có đánh giá toàn diện mô hình này?
- Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định thí điểm thành lập các TĐKT, trong đó quy định khá rõ những điều kiện để thành lập TĐKT, cụ thể chỉ có 12 lĩnh vực được phép thành lập TĐ, nghị định này ra đời trên cơ sở rút kinh nghiệm những việc thí điểm các TĐKT hiện có.
Bước đầu, mô hình TĐKT đã thay đổi hình thức sở hữu từ mệnh lệnh hành chính sang quan hệ đầu tư vốn từ Cty mẹ sang Cty con. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn chưa tách bạch rõ chức năng chủ sở hữu DN với chức năng quản lý hành chính nhà nước của bộ chủ quan, chưa tách bạch rõ quyền chủ sở hữu với quyền chủ động kinh doanh của DN.
Vì thế, nghị quyết của QH cũng đưa ra yêu cầu bỏ chế độ bộ chủ quản, hoàn thiện cơ chế phân cấp quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước theo nguyên tắc có một đầu mối chịu trách nhiệm chính, thay mặt Nhà nước quản lý phần vốn nhà nước tại DN, tổng hợp tình hình sử dụng vốn tại các DN, kể cả các TĐ, TCty đặc biệt.
- Cảm ơn ông!
DN buộc phải tuyên bố giải thể, phá sản chỉ là bước đường cùng. Nếu có thể cơ cấu DN theo các hình thức CPH, bán khoán, cho thuê để từng bước đem lại hiệu quả cho DN và người lao động là biện pháp tốt nhất. Tuy nhiên, hiện nay do những quy định của luật nên DN vẫn cố tình lách để "sống" lay lắt. Hơn nữa, bản thân các chủ nợ cũng không muốn DN phá sản để còn có khả năng thu hồi được nợ.
Để giải quyết vấn đề này phải cần sự quyết tâm cao của cơ quan chủ quản DN buộc DN tuyên bố phá sản và có hướng xử lý các khoản nợ. Hiện nay có tình trạng là cơ quan chủ quản thiếu kiên quyết. Thứ hai là các chủ nợ phải chấp nhận một khoản thua thiệt. Phải chịu đau, lát cắt dù đau cũng không thể không cắt thì mới mong xử lý được, chứ như hiện nay càng để nợ dây dưa khó đòi càng làm giảm hiệu quả hoạt động của DN. (Luật gia Vũ Xuân Tiền - Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty tư vấn VFAM -VN) |
Hồng Quân thực hiện
|