Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7-2009. Tại phiên họp, Chính phủ nghe, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2009, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước trong thời gian tới.
Theo đánh giá của nhiều thành viên Chính phủ và Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia, tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay hoàn toàn trong tầm kiểm soát; việc triển khai các gói kích thích kinh tế phải tiếp tục và nhất quán; việc cảnh giác với lạm phát là đúng nhưng không nên thổi phồng nguy cơ này.
Xuất khẩu suy giảm
Theo báo cáo, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực. Ngành công nghiệp tiếp tục phục hồi và liên tục tăng trưởng trong 6 tháng qua, tháng sau cao hơn tháng trước. Mức tăng bình quân đạt 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực dịch vụ, đặc biệt là thị trường trong nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng nhanh, đạt mức 18,3%. Các tín hiệu tích cực tiếp tục là xu thế chủ đạo trong các hoạt động như thu chi ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản; tiền tệ, tín dụng, chỉ số giá tiêu dùng và trên các thị trường chứng khoán, bất động sản. Việc triển khai nghiêm túc, tích cực và khẩn trương Nghị quyết 30 của Chính phủ về ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội đã thu được những kết quả bước đầu, giúp nền kinh tế tiếp tục ổn định và chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Tại cuộc họp báo chiều 5-8, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết những con số trên là cơ sở để khẳng định hoàn toàn có thể đạt chỉ tiêu năm 2009 GDP tăng trưởng khoảng 5%. Những tín hiệu tích cực còn được thể hiện ở số các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 7 tăng vọt, tới 34,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt con số 7.000. Trong bối cảnh khó khăn chung, lượng vốn FDI vẫn đạt 10,1 tỉ USD.
Tuy nhiên, xuất khẩu suy giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Quốc hội đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2009 là 3%, thực tế đầu năm đạt 1%-2%, riêng 7 tháng lại âm tới 13%. Mặc dù số lượng hàng hóa xuất khẩu tăng nhưng số tiền thu về thấp. Nguyên nhân sự suy giảm này chủ yếu do giá giảm, tổng cộng giảm kim ngạch xuất khẩu do giá trong 7 tháng khoảng 6 tỉ USD.
GDP phải đạt trên 6% trong những tháng cuối năm
Nhất quán trong việc thực hiện các gói kích thích kinh tế song các ý kiến cũng lưu ý về vấn đề tỉ giá ở góc độ cung cầu tổng thể. Việc giải ngân trái phiếu Chính phủ còn chậm; cần đẩy mạnh hơn nữa triển khai Đề án 61 huyện nghèo và chuẩn bị các gói giải pháp sau kích cầu nhằm bảo đảm cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao trong những năm tiếp theo.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định qua 7 tháng, các giải pháp kích thích kinh tế đưa ra đã đi vào cuộc sống, có hiệu quả. Kết quả bước đầu này không chỉ do chính sách đúng mà còn ở nỗ lực điều hành quyết liệt của các cấp, các ngành, sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Thủ tướng lưu ý tình hình vẫn còn khó khăn không cho phép được chủ quan, thỏa mãn. Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5% cả năm 2009, những tháng còn lại phải phấn đấu GDP tăng trưởng 6% và trên 6%. “Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề”- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu; hết sức lưu ý lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt khâu bảo vệ quyền lợi người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; phải bảo đảm tiêu thụ hết hàng hóa cho nông dân...
Thông qua 5 dự án luật Chính phủ cũng đã nghe, thảo luận và thông qua dự thảo “Nghị định thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế Nhà nước” và 5 dự án luật: Luật Thuế tài nguyên; Luật Nuôi con nuôi; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. |