“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Cẩn trọng với đòn bẩy tài chính

 
 Tuần áp chót của tháng 9 lại chứng kiến thêm một kỷ lục mới về giá trị giao dịch. VN-Index liên tục tăng cao, vượt qua các phiên điều chỉnh một cách dễ dàng nhờ nguồn lực mạnh chưa từng có.

Thị trường khởi sắc đã thu hút một lượng lớn NĐT mới tham gia, nhưng một phần không nhỏ trong nguồn lực này cũng đến từ các ngân hàng thông qua các dịch vụ vay mượn, cầm cố của CTCK.

Những con số biết nói

Thống kê chỉ riêng giao dịch khớp lệnh tuần qua, hoạt động ảnh hưởng đến giá CK và Index, quy mô cả hai sàn lên tới 26.285 tỉ đồng. Đây là con số vượt mọi kỷ lục đã có từ trước tới nay. Nếu tính cả giao dịch thỏa thuận, lượng vốn vận động trong thị trường đạt 27.026,9 tỉ đồng.

Nếu tính bình quân, quy mô khớp lệnh đạt khoảng 5.257 tỉ đồng/phiên. Không chỉ tăng về giá trị, khối lượng khớp lệnh cũng tăng rất cao với 118,26 triệu đơn vị/phiên. Điều đó chứng tỏ nguồn lực đổ vào thị trường ngày càng lớn, bất chấp giá đa số CK đã tăng cao hơn nhiều thời điểm tháng 8.

Trong 19 phiên giao dịch đầu tháng 9, giá trị khớp lệnh bình quân đạt 4.402 tỉ đồng/phiên. VN-Index tăng 6,42% và HNX-Index tăng 6,54%. Trong chẵn 30 phiên từ đầu tháng 5 đến ngày 12.6 vừa qua - kỳ bùng nổ ngoạn mục nhất từ trước tới nay của TTCKVN - quy mô giao dịch cũng chỉ đạt bình quân 2.627,3 tỉ đồng/phiên.
 
Đây là thời điểm gói kích cầu thứ nhất bắt đầu được triển khai rộng rãi và rất nhiều ý kiến lo ngại dòng tiền không chảy vào sản xuất mà "rẽ" vào đầu cơ trên TTCK. VN-Index trong 30 phiên 51,4% và HNX-Index tăng 50,6%. Điều đó chứng tỏ nguồn tiền vẫn cứ tiếp tục đổ vào CK như một kênh đầu tư hiệu quả nhất tính đến thời điểm này.

Nở rộ dịch vụ

Ngay từ tháng 7, khi có thông tin về hạ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, đã có nhiều ý kiến nhận định rằng dòng vốn ngân hàng sẽ vẫn cứ đổ vào CK vì hạn mức cho vay vẫn còn, chưa kể đến việc ngân hàng phải vất vả mở rộng các hình thức kinh doanh ngoài cho vay do lợi nhuận biên ngày càng bị thu hẹp. Mặt khác sự khởi sắc rất vững chắc của thị trường chung càng khuyến khích hoạt động này.

Theo nhiều NĐT, chưa bao giờ việc sử dụng đòn bẩy lại dễ dàng như những tháng qua. Hàng loạt dịch vụ với những tên gọi khác nhau được các CTCK mời chào khách hàng, từ thấp cấp đến khách VIP. Hoạt động ứng trước tiền bán hiện quá bình thường, dù góp phần không nhỏ đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn. Các CTCK còn trực tiếp dùng tiền ngân hàng giúp NĐT gia tăng tiềm lực thông qua các hợp đồng "hợp tác kinh doanh đầu tư CK niêm yết" mà thực chất là cho mượn tiền để ăn lãi suất.

Hoạt động phổ biến nhất là CTCK hỗ trợ đòn bẩy tài chính theo tỉ lệ, thường là 50% vốn hiện có và cho phép trả tiền sau. Ví dụ NĐT có 1 tỉ đồng có thể được mượn thêm 500 triệu nữa. Khoản vay này có thể trả lại vào ngày T+, thậm chí có CTCK còn cho đến T+7. Còn việc CTCK ứng tiền mua giúp buổi sáng, NĐT nạp trả vào buổi chiều diễn ra hết sức phổ biến và CTCK còn không lấy lãi.

Các dịch vụ như vậy có thể thấy nhan nhản trên các trang web của CTCK. Tùy theo đánh giá của CTCK về thị trường mà các dịch vụ này được mở rộng hoặc thu hẹp. Chẳng hạn CTCK SHS, hồi tháng 7 mới đồng ý góp vốn 45% đối với danh mục CK hạng 1 (do Cty lập ra) thì đến tháng 9 đã nâng lên 50%. Với hạng 2 cũng nâng từ 40% lên 45% và hạng 3 từ 35% lên 40%.
 
Tất cả các CTCK đều không chịu trách nhiệm khi phát sinh lỗ mà đều thu một khoản lời cố định trên giá trị vốn góp. CTCK cũng có quyền sử dụng mọi cách để thanh lý hợp đồng, bảo toàn vốn góp. Do đó dịch vụ đòn bẩy thực sự là máy đẻ ra tiền nếu thị trường thuận lợi.

Cẩn trọng không thừa

Khó có thể xác định chính xác quy mô đòn bẩy tài chính đang được sử dụng. Theo ước đoán của CTCK SSI hồi đầu tuần trước thì sơ bộ cho  thấy, lượng tín dụng của các ngân hàng  thực chảy vào  thị  trường  lên đến khoảng 19.000 tỉ đồng. Tuy vẫn trong giới hạn an toàn 20% vốn điều lệ của các NHTM, song tính tỉ lệ dư nợ CK trên vốn hóa thị trường cũng đạt khoảng 80% mức đỉnh cao của TTCK vào đầu năm 2007.

Theo ông Fiachra Mac Cana của CTCK HSC, có nhiều bằng chứng cho thấy giao dịch ký quỹ đã đạt đến mức khá cao và những động thái liên quan đến việc cung cấp đòn bẩy tài chính có thể được xem như tín hiệu sớm về xu hướng.

Theo khảo sát riêng với khách hàng ở một số CTCK, đã có Cty hết hạn mức cung cấp đòn bẩy hoặc bắt đầu dừng cung cấp mới. Sự hạn chế dịch vụ đòn bẩy tài chính của một số CTCK gần đây cho thấy quan điểm về tương quan rủi ro/lợi nhuận bắt đầu được xem xét cẩn trọng.

Đòn bẩy tài chính tạo nên sức cầu lớn trong xu hướng lên thì cũng có thể tạo nên áp lực bán bất thường trong xu hướng xuống. Những triển vọng sáng sủa của nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng trong dài hạn khiến cả NĐT lẫn CTCK đều "an tâm" hơn. Nhưng bằng chứng "đau thương" trong quá khứ mới cách đây hơn 1 năm cho thấy mối lo ngại là có cơ sở.

Mặc dù cả NĐT lẫn CTCK đã có kinh nghiệm hơn rất nhiều hồi đầu năm 2008 - bằng chứng là lời khuyên cắt lỗ luôn được bộ phận tư vấn của CTCK nhắc nhở NĐT, nhưng những biến động thị trường luôn khó lường, nhất là hành động của các NĐT mới, những người chưa từng trải qua nỗi hoảng sợ 2008 và còn đang "say máu" với tài khoản tăng đột biến từng ngày.

Hoàng Nguyên