Trống đồng Quốc bình Thăng Long do Công ty Cường Phát sáng tạo. Ảnh: Vũ Lê.
Từ ngày 2 đến 8/9, Lễ hội sắc màu gốm sứ Việt Nam lần đầu tiên sẽ được tổ chức tại Bình Dương nhằm giới thiệu những sản phẩm độc đáo, đăng ký dự thi xác lập kỷ lục mới của ngành nghề truyền thống này.
> Bộ sưu tập gốm sứ vẽ tay đắt giá
Nhiều tác phẩm chưa từng có từ trước tới nay, với các tiêu chí: to lớn nhất; có văn hóa nghệ thuật với hình ảnh đẹp, đặc trưng, sang trọng nhất; được mạ vàng loại tốt nhất; đạt độ hoàn mỹ nhất; hoàn nguyên liền khối không bắt ốc dán keo; thuộc dạng tạo hình khó nhất và linh vật độc đáo nhất.
Đó là bộ ba sản phẩm: cúp hồn Việt, chén ngọc Văn Lang, cúp sen vàng được Công ty Minh Long I nghiên cứu và hoàn thiện trong 5 năm ròng. Trong đó, thiết kế chén ngọc Văn Lang được 3 linh vật rồng tiên nâng đỡ miêu tả cuộc sống thái bình thịnh trị thời Văn Lang, phải cần đến bàn tay, khối óc của 22 thợ lành nghề dày công nghiên cứu và kiên trì thực hiện hơn 1.800 ngày.
Cúp sen vàng, sản phẩm của Công ty Minh Long I. Ảnh: Vũ Lê. |
Kế đến là chiếc trống đồng Quốc Bình Thăng Long được Công ty Cường Phát làm trong 2 năm. Ngoài ra, đơn vị này còn giới thiệu các bình gốm núi lửa, bình mẫu tử, lá sen, dáng sen... sử dụng kỹ thuật hỏa biến, nung ở nhiệt độ cao để tạo vân độc đáo.
Vẻ đẹp gốm sứ sẽ có mặt tại Festival gốm sứ |
Tác phẩm Lu thiên địa (đường kính 120 cm, cao 127 cm) của Công ty Trung Thành, sản xuất 6 chiếc nhưng chỉ lấy được một sản phẩm hoàn hảo. Một tác phẩm có ý nghĩa lịch sử khác là Thăng Long hoài cổ, nói về tích vua Lý Công Uẩn đổi tên Đại La thành Thăng Long, của Công ty Minh Cường cũng góp mặt vào cuộc khoe sắc vũ điệu gốm sứ.
Các doanh nghiệp đã kết hợp gốm sứ với mây hoặc cho ra đời những sản phẩm có đặc tính chịu shock nhiệt độ dùng cho lò vi ba, bếp từ...
Tuy hứa hẹn sẽ có nhiều "hàng độc" tại festival gốm sứ, nhưng một số doanh nghiệp tiết lộ, tác phẩm thể hiện tâm huyết, đánh dấu cột mốc, tiến bộ mới trong nghề gốm, giới thiệu với khách khách tham quan, giao lưu học hỏi kỹ thuật là chính chứ không bán và cũng không định giá món hàng.
Tính đến ngày 26/8, Festival gốm sứ Việt Nam đã có 19 làng nghề, 50 doanh nghiệp các tỉnh thành tham dự. Thông báo của ban tổ chức, hiện đã có 10 sản phẩm của làng nghề và Hiệp hội gốm sứ Bình Dương đăng ký xác lập kỷ lục Việt Nam.
Theo ban tổ chức lễ hội gốm sứ, khách tham quan không chỉ được chiêm ngưỡng những tác phẩm độc đáo, đa dạng của ngành nghề này mà còn được thưởng lãm không gian phối ghép của những ngành nghề khác. Đó là ngành sinh vật cảnh, trang trí ngoài trời, thủ công mỹ nghệ, may mặc và đặc biệt là các danh rượu nổi tiếng của nhiều tỉnh thành Việt Nam đựng trong bình gốm sứ.
Tác phẩm đậm hồn quê như: Tiều phu, Bình hoa và Ngư ông của Công ty Chân Thành. Ảnh: Vũ Lê. |
Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Bình Dương, Lý Ngọc Minh cho biết, để chuẩn bị cho Festival gốm sứ Việt Nam lần đầu tiên tại tỉnh thành này, các doanh nghiệp đã nỗ lực đóng góp sản phẩm độc đáo, đầu tư công phu, nhiệt tình cho tác phẩm nhằm khẳng định sức sống của nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một dần.
Vị chuyên gia có thâm niên trong ngành gốm sứ Việt Nam cho biết thêm, không chỉ có ngành gốm tại Việt Nam ngày càng mai một dần mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng gặp khó khăn khi suy thoái kinh tế. Vừa qua, các thương hiệu, công ty gốm sứ danh tiếng như Royal Doulton và Westwood của Anh, Rosenthal của Đức, Thun của Cộng hòa Czech phải phá sản. Nhiều nhà máy gốm sứ ở Trung Quốc, Nhật phải đóng cửa hoặc chuyển sang ngành nghề khác.
Ông Minh cho hay, trước đây Bình Dương có 500 doanh nghiệp làm gốm sứ nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 120 doanh nghiệp. Song, thực chất chỉ có 70 doanh nghiệp hoạt động thực sự. "Tuy nhiên, trong đó có 20-30 doanh nghiệp phát triển có kim ngạch xuất khẩu, chiếm tỷ lệ 70-80% kim ngạch xuất khẩu của cả nước là một điều kỳ diệu", ông nói.
Vũ Lê