“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Bảo vệ người gửi tiền: Cần cải cách giám sát tài chính

 
Vào cuối những năm 90, Kiên Giang nói chung và một số tỉnh ĐBSCL là nơi xảy ra đổ vỡ tín dụng nhiều nhất trên cả nước. Không có tổ chức nào đứng ra bảo vệ tiền gửi cho dân, dân mất tiền gửi, họ đã kéo đến tổ chức tín dụng, cơ quan chính quyền để đòi tiền gây ra sự bất ổn về an ninh trật tự và điều quan trọng hơn niềm tin của dân đối với hệ thống ngân hàng bị suy giảm. Điều đó ảnh hưởng đến quá trình huy động vốn, tạo mảnh đất màu mỡ để nạn cho vay nặng lãi, hụi họ phát triển.

Từ năm 2000, với sự ra đời của tổ chức BHTGVN- một tổ chức chuyên nghiệp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền, người dân không mất tiền gửi khi xảy ra đổ vỡ tín dụng, tạo niềm tin cho dân đối với hệ thống ngân hàng. Thực hiện tốt chính sách BHTG là góp phần đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ người dân trong xã hội dân sự. Trong hơn 10 năm qua, BHTGVN đã thực hiện tốt việc bảo vệ người gửi tiền. Tuy nhiên, chính sách BHTG đã bộc lộ một số bất cập.

Ông có thể nói rõ những bất cập đó là gì dưới góc độ của một nhà lập pháp?

Hiện nay, chúng ta chưa có Luật BHTG cũng là một bất cập. Đây là một lĩnh vực đặc thù, tác động đến nhiều đối tượng đặc biệt là người gửi tiền, liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm là hoạt động ngân hàng. Chúng ta cần có Luật để điều chỉnh lĩnh vực này một cách đầy đủ, tạo hành lang pháp luật phù hợp để tổ chức BHTG thực hiện tốt vai trò của mình.

Đồng thời, cần tạo cơ chế pháp lý để tháo gỡ những nút thắt bất cập như hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi quá thấp (hiện nay pháp luật quy định là 50 triệu đồng cho mỗi khoản tiền gửi tại một tố chức tín dụng); vai trò của tổ chức BHTG trong việc giám sát thị trường tài chính còn mờ nhạt, cơ chế pháp lý xử lý đổ vỡ tín dụng chưa rõ ràng và phù hợp…

Thực tế, khái niệm mạng an toàn tài chính, cấu trúc các cơ quan trong mạng an toàn tài chính để thực hiện nhiệm vụ giám sát tài chính chưa được cụ thể hóa và quy định rõ ràng trong các Luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Vậy theo ông, việc xây dựng Luật BHTG nên có những quy định liên quan đến mạng an toàn tài chính?
 
Đúng như vậy, bảo vệ người gửi tiền không chỉ là thực hiện chi trả tiền gửi khi tổ chức tín dụng bị đổ vỡ mà cần tạo cơ chế rõ ràng để các cơ quan giám sát tài chính thực hiện tốt việc giám sát hệ thống tài chính, ngân hàng. Khái niệm mạng an toàn tài chính được sử dụng rộng rãi trên thế giới trong đó quy định cấu trúc các cơ quan giám sát, nhiệm vụ của từng cơ quan cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan để thực hiện chức năng giám sát thị trường tài chính.

Các cơ quan đó thông thường bao gồm Ngân hàng Trung Ương, Bộ Tài chính, Ủy ban giám sát và tổ chức BHTG. Những vấn đề liên quan đến mạng an toàn tài chính cần được cụ thể hóa vào trong Luật BHTG đặc biệt liên quan đến vai trò của tổ chức BHTG trong hệ thống cơ quan giám sát. Những quy định đó đảm bảo sự phân công và phối hợp rõ ràng giữa các cơ quan tránh tình trạng bỏ trống hoặc chồng chéo giữa các khu vực giám sát, để làm sao đảm bảo an toàn hoạt động cho thị trường tài chính nhưng không gây khó khăn cho các đối tượng chịu sự giám sát.

Được biết hiện nay, các quốc gia không chỉ quan tâm đến việc cải cách hệ thống các cơ quan giám sát trong mạng an toàn tài chính của chính quốc gia mình, mà còn đề xuất việc thành lập mạng an toàn tài chính toàn cầu. Đây là một vấn đề rất mới, vậy theo ông khi xây dựng pháp luật điều chỉnh lĩnh vực tài chính chúng ta có quan tâm đến điều này?

Trong hội nghị thượng đỉnh G20 vừa diễn ra tại Hàn Quốc, với cương vị là nước chủ nhà, Hàn Quốc đã kêu gọi thành lập mạng an toàn tài chính toàn cầu. Ý tưởng này được nhiều quốc gia ủng hộ và được IMF quan tâm xem xét.

Lý do Hàn Quốc đưa ra ý tưởng đó là vì khi xảy ra khủng hoảng tài chính thế giới, thị trường tài chính trong nước bị tác động mạnh mẽ do hiệu ứng tâm lý, lan truyền. Thậm chí có những nước thị trường trong nước không có vấn đề gì cũng bị ảnh hưởng của những nhân tố bên ngoài. Do vậy, các quốc gia cần liên kết để thành lập mạng an toàn tài chính toàn cầu để xử lý được những vấn đề xuyên biên giới. Làm được điều đó sẽ tạo được sự an toàn hơn cho thị trường tài chính quốc tế, tránh được hiện tượng lan tỏa của rủi ro hệ thống, ngăn chặn được đổ vỡ dây chuyền.

Khi xây dựng pháp luật về lĩnh vực tài chính ngân hàng, chúng ta cũng cần nghiên cứu xem xét, dự báo, xu hướng quốc tế để quy định cho phù hợp. Bởi thực chất vấn đề, nếu chúng ta giám sát tốt thị trường tài chính, đồng nghĩa với việc chúng ta bảo vệ tốt người dân nói chung và người gửi tiền nói riêng. Mạng an toàn tài chính quốc gia, mạng an toàn tài chính toàn cầu không chỉ là sự quan tâm của riêng nước nào. Khi thực hiện cải cách hệ thống tài chính chúng ta phải thực hiện cải cách thể chế trong đó có cải cách hệ thống giám sát tài chính và cần quan tâm xem xét đến những vấn đề mang tính chất toàn cầu.

Thực tế việc cải cách cơ chế này ở nước ta ra sao, thưa ông?

Vừa rồi chúng ta cũng đã thực hiện cải cách thể chế liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân hàng thông qua việc ban hành Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi và Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi. Theo tôi, đây là một bước tiến để điều chỉnh các quy định liên quan cho phù hợp với thị trường tài chính của nước ta hiện nay. Tuy nhiên, vai trò các cơ quan chức năng trong mạng an toàn tài chính cũng chưa được quy định rõ nét. Đồng thời, chúng ta cần hoàn thiện thể chế về bảo vệ người gửi tiền cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và thông lệ quốc tế thông qua việc sớm ban hành BHTG.

Việc này hết sức cần thiết vì đó là đòi hỏi của thực hiện khách quan và giải quyết được những vấn đề bất cập đang tồn tại về chính sách bảo vệ người gửi tiền. Để Luật BHTG đạt chất lượng chúng ta cần tổ chức nghiên cứu đánh giá chi tiết, bài bản càng sớm càng tốt thực trạng chính sách bảo vệ người gửi tiền hiện hiện hành và thông lệ cũng như xu hướng quốc tế trong lĩnh vực này.

  • Minh Hải (thực hiện)