“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Ẩn số của dòng tiền


 
Dòng tiền đổ vào chứng khoán là dòng tiền đầu tư hay dòng tiền cơ hội?
(LĐ) - Cuối tuần qua, một cuộc giao lưu thú vị giữa NĐT và các chuyên gia đến từ các định chế tài chính lớn, các CTCK và cơ quan quản lý đã thảo luận về ẩn số của dòng tiền đang đổ vào TTCKVN trong hơn 2 tháng qua.

Đó là dòng tiền đầu tư hay dòng tiền cơ hội? Không có một câu trả lời cụ thể nào nhưng rõ ràng thị trường luôn đúng, chỉ có lý do mà mỗi người đưa ra để giải thích là chủ quan.

Không bỏ lỡ cơ hội

Sự đột biến về mức độ thanh khoản trên TTCKVN là điểm dễ nhận thấy nhất trong đợt đi lên này. Những thống kê có thể cho thấy con số khủng khiếp: Trong tổng số 47 phiên giao dịch kể từ đầu tháng 3 đến nay, trung bình mỗi ngày tổng cầu tại HoSE đạt 57,24 triệu đơn vị, một con số lớn chưa từng có trong lịch sử của một sóng tăng giá. Tổng bán cũng đạt kỷ lục tương ứng với 44,62 triệu đơn vị/phiên. Mức thanh khoản của cả hai thị trường đạt trung bình 44,78 triệu đơn vị/phiên.

Đặc điểm thứ hai là sức mua rất mạnh tại những thời điểm then chốt khi chỉ số gặp các mức kháng cự chính. Quy luật thị trường đổi xu hướng sau những ngày khớp lệnh kỷ lục có lẽ đã không còn chính xác trong thời gian qua: Sau những phiên phân phối hàng ngàn tỉ đồng, thị trường vẫn tiếp tục đi lên.

Một trong những đúc kết mà giới đầu tư lão luyện trên thế giới ghi vào sách là sự khởi đầu của một chu kỳ đi lên dài hạn thường là trong sự hồ nghi, khó có thể tìm được lý do cụ thể lý giải nào. Đơn giản vì TTCK luôn chạy trước những chuyển biến về kinh tế: Khi những thông tin xấu đã bão hoà, không thể xấu hơn nữa và những tin đó không thể dìm thị trường xuống sâu hơn thì thị trường sẽ tự đi lên. Lý do lúc đó chỉ có thể tìm thấy từ thị trường: Dòng tiền chẳng biết từ đâu dồn dập đổ vào, đẩy giá lên.

Theo các chuyên gia, dòng tiền đang đổ vào thị trường chính là dòng tiền đã từng rút ra khỏi thị trường và nằm chờ cơ hội. Thông tin từ góc độ quản lý vĩ mô, ông Nguyễn Sơn - Trưởng ban Phát triển thị trường (UBCKNN) - cho biết, do những diễn biến của thị trường quốc tế cuối 2008 và đầu 2009, các NĐTNN đã đẩy mạnh bán ra nhằm tái cấu trúc danh mục đầu tư của mình. Trong đó có một số lượng lớn CP có tính thanh khoản cao và các trái phiếu chính phủ.

Tuy nhiên, qua các số liệu về dòng tiền chuyển ra khỏi Việt Nam, thì tỉ trọng rất thấp so với giá trị danh mục giải ngân. Điều đó chứng tỏ dòng vốn vẫn nằm tại Việt Nam và đây là thời điểm hợp lý để họ mua vào CP của các danh mục mới.

Nếu theo dõi năm 2008, đầu 2009, hoạt động bán ra của NĐTNN rất mạnh, đặc biệt với trái phiếu. Giá CK khi đó cũng rất cao, đồng nghĩa với khả năng hấp thụ một khối lượng CK lớn hơn rất nhiều lần tại mức giá thấp như hiện tại.

Ông Nguyễn Xuân Minh - TGĐ Cty quản lý quỹ đầu tư Vietnam Asset Management - cho rằng, đã có sự dịch chuyển nguồn vốn trong nước từ các kênh đầu tư vì dòng vốn gián tiếp từ bên ngoài chưa thể vào mạnh mẽ: Trong bối cảnh khủng hoảng, các tổ chức, các quỹ cả trong và ngoài nước đều thực hiện chiến lược tăng nắm giữ tiền mặt. NĐT cá nhân cũng xoay sang các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ. Khi TTCK đi lên thì áp lực giải ngân nguồn vốn này càng mạnh.

Theo ông Minh, hiện tại tín dụng tiêu dùng tăng cao trên hệ thống NHTM (một phần lớn chảy vào CK) và lượng tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn sụt giảm là biểu hiện của sự trở lại của NĐT cá nhân.

Phân tích cơ bản: Những căn cứ

Theo lý thuyết sự chuyển biến lên - xuống của thị trường, nhất là từ một thị trường giá xuống (bear market) sang một thị trường giá lên (bull market) với quan điểm dài hạn phải bắt nguồn từ những chuyển biến vĩ mô. Hầu hết lý giải của các chuyên gia đều tìm điểm tựa từ căn cứ này với một cái nhìn thận trọng.

Ông Minh cho rằng một số yếu tố giúp thị trường tăng điểm trong thời gian qua là nhiều CP giảm quá thấp so với giá trị tài sản, tiềm năng dài hạn do ảnh hưởng tâm lý; kết quả kinh doanh quý I/2009 không xấu như thị trường dự đoán; vĩ mô có tín hiệu ổn định, đặc biệt là TTCK thế giới cũng phục hồi mạnh mẽ bất ngờ; các biện pháp can thiệp của Chính phủ và chính sách tỉ giá ổn định.

Ông Dominic Scriven - TGĐ Cty quản lý Quỹ Dragon Capital - cho biết, nhiều người cũng chất vấn tại sao thị trường đi lên trên toàn cầu, trong khi kinh tế vẫn còn khó khăn. Trên thực tế, khảo sát gần đây cho thấy tất cả các vụ suy thoái từ năm 1945 đến nay là các TTCK bắt đầu phục hồi bình quân từ 4-6 tháng trước khi thấy sự phục hồi của nền kinh tế.

Chuyên gia này cũng khá lạc quan về triển vọng tại các thị trường mới nổi như Việt Nam. Đặc biệt là thời gian gần đây, dòng vốn đã bắt đầu thể hiện dần dần và thận trọng tại các thị trường Châu Á. Ông cũng cho biết, hiện tại các quỹ tập trung vào TTCK của Cty này còn dư trên 100 triệu USD.

Chuyên gia này cũng nhận định nhờ cơ cấu GDP của Việt Nam và sự năng động của Chính phủ trong chính sách mới, có vẻ Việt Nam sẽ kết thúc năm 2009 là một trong số ít các nước có tăng trưởng GDP dương, đó là điều đáng mừng.

"Chúng tôi vẫn đánh giá xu hướng các năm tới của nền kinh tế Việt Nam tương đối lạc quan dựa vào vay nợ nước ngoài thấp. Tổng tín dụng nội địa và nợ ngân sách tương đối thấp, khả năng cạnh tranh vẫn ấn tượng và thị trường tiêu thụ nội địa bền vững" - ông cho biết.

Hoàng Nguyên