“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

4.076 dự án đầu tư bằng vốn ngân sách chậm tiến độ

 
Cầu Thanh Trì là một dự án "điển hình" về chậm tiến độ (ảnh:thanglonggroup.com.vn)

Chậm tiến độ là “căn bệnh” phổ biến nhất trong các vi phạm về quản lý đầu tư, với 4.076 dự án, chiếm 12,7% tổng số dự án đầu tư hiện nay.

Bộ KH-ĐT vừa trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo về giám sát các dự án đầu tư 6 tháng đầu năm 2009.

Theo Bộ này, cả nước có 4.182 dự án vi phạm về quản lý đầu tư, chiếm 13% tổng số dự án đầu tư thực hiện trong kỳ. Tương tự tình trạng của nhiều năm trước, 97% số các dự án có vi phạm về quản lý đầu tư đều rơi vào lỗi bị chậm tiến độ so với yêu cầu (4.076 dự án).

Bộ KH-ĐT đánh giá, đây là một vấn đề cần quan tâm hàng đầu. Số liệu trên cho thấy, tình trạng chậm tiến độ vẫn chưa được cải thiện đáng kể so với mọi năm, trong đó, rất nhiều dự án đầu tư thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng.

Trong số các dự án vi phạm về quản lý đầu tư, có 149 dự án được đánh giá là chất lượng xây dựng thấp, chiếm 0,5% tổng số dự án đầu tư thực hiện trong kỳ, 94 dự án có lãng phí, chiếm 0,3%, 108 dự án phê duyệt không kịp thời chiếm 0,3%, 51 dự án không phù hợp với quy hoạch, chiếm 0,2% và 29 dự án đấu thầu không đúng qui định, chiếm 0,1%.

Trong đợt báo cáo của các bộ ngành cơ quan vừa qua, có 55 dự án nhóm A chậm tiến độ, chiếm 7,41% tổng số dự án thực hiện.

Ngoài việc làm hạn chế tăng trưởng kinh tế nói chung, bộ KH-ĐT đánh giá, các dự án nhóm A chậm tiến độ so với yêu cầu còn dẫn tới hệ quả không đảm bảo huy động năng lực sản xuất theo đúng kế hoạch, làm tăng chi phí của Bản quản lý dự án, lãi vay trong thời gian xây dựng, chi phí thuê chuyên gia nước ngoài trong các dự án sử dụng vốn ODA.

Đến nay, đã có 40 dự án nhóm A xin điều chỉnh lại vốn đầu tư. Tính chung, có 6.478 dự án, chiếm 20,2% tổng số dự án đầu tư thực hiện trong kỳ phải điều chỉnh thì có tới 12,7% dự án là phải điều chỉnh vốn đầu tư, 7,1% dự án phải điều chỉnh về tiến độ.

Hậu quả là lãng phí vốn đầu tư, làm giảm hiệu quả đầu tư và thậm chí không còn đạt hiệu quả đầu tư như mục tiêu đặt ra.

Đồng thời, Bộ KH-ĐT cũng đánh giá, các cơ quan, bộ ngành vẫn chưa nghiêm túc, còn buông lỏng việc thực hiện công tác giám sát đầu tư.

Mặc dù đã gần hết tháng 9 song, vẫn nhiều cơ quan không có đánh giá giám sát đầu tư 6 tháng đầu năm theo quy định, trong đó có 4 Tập đoàn Tổng công ty như Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, Tập đoàn Công nghiệp cao su, Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam, có 6 tỉnh, 5 cơ quan bộ và ngang bộ và 3 cơ quan thuộc Chính phủ.

Nhiều cơ quan có tỷ lệ các dự án thực hiện giám sát đầu tư thấp hơn 50% số các dự án đầu tư thực hiện trong kỳ hoặc gửi báo cáo giám sát đầu tư còn không có số liệu, không có phân tích, đánh giá cụ thể, kiến nghị, đề xuất.

Bộ KHĐT đã kiến nghị Thủ tướng phải xử lý các cơ quan có vi phạm này, đồng thời, phải kiểm điểm báo cáo trước Thủ tướng về nguyên nhân chậm trễ.

Theo quy định hiện nay thì dự án nào chưa có hoặc báo cáo giám sát đầu tư không đúng qui định, sẽ không được duyệt tiếp về kế hoạch vốn năm sau.

  • Phạm Huyền