- Đầu năm 2013, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết. Trong khi Nghị quyết 01 thiên về ổn định kinh tế vĩ mô, thì Nghị quyết 02 tập trung vào những giải pháp hỗ trợ sản xuất tiêu dùng. Từ phía cơ quan giám sát tài chính, theo ông liệu 2 chủ trương này có “lệch pha”?
Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn cho rằng kích cầu là cần thiết với kinh tế VN hiện nay. Ảnh: Nhật Minh |
- Trong quá trình tham gia để cho ra đời 2 Nghị quyết này, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia đã rất tích cực vào quá trình xây dựng của Chính phủ. Theo quan điểm của chúng tôi thì 2 nghị quyết này hết sức đồng bộ. Nghị quyết 01 cũng như hàng năm đều dựa trên nghị quyết của Quốc hội là đề ra những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Những định hướng lớn Chính phủ đều có một nghị quyết để triển khai thực hiện nhiệm vụ trong năm.
Với nghị quyết 02 thì vì năm nay có vấn đề nổi cộm ngay từ đầu năm nên phải tập trung giải quyết. Đó là doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn và cần phải có các giải pháp cũng như biện pháp để thúc đẩy thị trường, kích cầu nền kinh tế, làm tăng tổng cầu nền kinh tế.
Nghị quyết 02 thực ra là một cấu phần trong tổng thể chung của 01, cụ thể hóa hơn một số các biện pháp để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý theo mục tiêu tăng trưởng phải cao hơn, lạm phát phải thấp hơn năm trước.
- Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới toàn cầu mới được Ngân hàng thế giới (WB) công bố mới đây, họ cho rằng các nước đang phát triển như Việt Nam thì nên tập trung vào phần cung hơn là kích cầu. Trong khi ở Việt Nam lại đang tập trung tăng tổng cầu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Báo cáo của WB là báo cáo chung về tổng thể của kinh tế thế, họ phân ra nền kinh tế phát triển và nền kinh tế mới nổi. Trường hợp của Việt Nam được đặt trong bối cảnh của các nền kinh tế mới nổi, ở chừng mực nào đó là tính chung trong khu vực ASEAN. Do đó, đây không phải là một đề xuất có tính chất chi tiết, cụ thể cho từng quốc gia.
Đối với Việt Nam, việc điều hành phải căn cứ vào tình hình chung của thế giới, khu vực và đặc biệt phải căn cứ vào tình hình cụ thể hiện nay để đưa ra giải pháp thích hợp. Trong điều kiện đó, nền kinh tế đang phải đối mặt với một loạt các mâu thuẫn. Một mặt vừa phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát do những dấu hiệu tiềm ẩn của nguy cơ lạm phát vẫn còn. Trong khi đó, doanh nghiệp lại đang gặp rất nhiều khó khăn, tiêu thụ khó khăn, tồn kho lớn.
Nguyên nhân của những vấn đề này là do tổng cầu thấp, kể cả cầu đầu tư hay tiêu dùng. Muốn tháo gỡ khó khăn này thì phải sưởi ấm tổng cầu nền kinh tế. Đây là thách thức rất lớn với Việt Nam.
- Một trong những giải pháp để kích thích tổng cầu được nhiều người nhắc đến gần là việc bơm tiền cho thị trường bất động sản. Ông nghĩ sao về giải pháp này?
- Đối với bất động sản, chúng ta thấy rất rõ thời gian gần đây cơ quan quản lý đã đưa ra một loạt giải pháp. Nhưng theo quan điểm của tôi, chúng ta không nên hiểu Chính phủ bơm tiền ra cho thị trường này một cách tùy ý.
Biện pháp của Chính phủ khá cụ thể, chẳng hạn như đối tượng nào có nhu cầu về nhà ở thật thì sẽ quan tâm hỗ trợ để họ có điều kiện thực hiện mục đích của mình một cách hợp lý. Ví dụ, nhà ở xã hội đang được xác định phân khúc thị trường này là thiết thực vì nhiều người hiện nay đang thiếu nhà ở và có nhu cầu thực sự chứ không phải là đầu cơ.
Hình thức hỗ trợ ở đây có thể là cho vay tiền với lãi suất thấp và kỳ hạn dài để phù hợp với khả năng của người mua. Nếu làm được điều này thì đây cũng là một cách sưởi ấm lại thị trường. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này cần phải có thời gian chứ khổng thể làm trong một thời gian ngắn. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện thì vẫn tiếp tục theo dõi, nghe ngóng tín hiệu từ thị trường, tránh việc gây ra các tác động phụ.
Tôi muốn nhấn mạnh là dù tín dụng có được đưa ra để hỗ trợ thì Ngân hàng Nhà nước cũng phải rất thận trọng, tiền cung ứng nhưng với mức độ như thế nào là hợp lý. Khi nào thị trường có dấu hiệu thay đổi thì lập tức phải có giải pháp để hút tiền về để tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.
- Vậy ông dự đoán như thế nào về xu hướng lãi suất năm nay?
- Theo chỉ đạo của Chính phủ là phải đưa lạm phát thấp hơn năm 2012, xung quanh ở mức 6%. Nếu lạm phát kiểm soát 6% thì lãi suất có thể tiếp tục giảm xuống được. Lãi suất huy động giảm thì đương nhiên lãi suất cho vay cũng sẽ giảm theo. Việc đưa lãi suất giảm cũng đang là nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống hiện nay.