“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Sớm quản lý vốn tại tập đoàn

Tại hội thảo “Quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN), kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại VN” có khá nhiều bất cập trong quản lý tài sản nhà nước được nêu ra, đặc biệt chưa có cơ quan chuyên trách quản lý các tập đoàn...

Hội thảo do Ngân hàng Thế giới và Tổng công ty Quản lý kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức trong ngày 21-4 tại Hà Nội.

Cổ phần hóa để đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp sinh lợi cao hơn. Trong ảnh: đấu giá cổ phần Ngân hàng Công thương VN - Ảnh: T.ĐẠM

Bộ, ngành vẫn quản doanh nghiệp

Kinh nghiệm từ Trung Quốc

Ông Chunlin Zhang - chuyên gia trưởng về phát triển khu vực tư nhân, Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc - chia sẻ bài học của Trung Quốc khi lập Ủy ban quản lý và giám sát tài sản nhà nước (SASAC) quản lý vốn nhà nước tại tất cả các DN đã cổ phần hóa.

Ủy ban này chỉ giám sát ba nhóm lãnh đạo cao nhất, đặc biệt là chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc. Đánh giá một trong những điều chưa thành công của SASAC, ông Chunlin Zhang cho rằng đó chính là việc SASAC quản quá nhiều DN.

Theo ông Lê Song Lai - phó tổng giám đốc SCIC, việc thành lập các DN nhà nước được quyết bởi nhiều cấp. Thời gian qua, đầu tư vốn nhà nước còn tràn lan, chồng chéo, không theo quy hoạch tổng thể, không theo lĩnh vực chính, còn bị chi phối bởi lợi ích của các ngành, địa phương dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn nhà nước thấp. Ngay ở các DN đã chuyển đổi sở hữu, cổ phần hóa, việc quản lý vẫn tiếp tục được giao cho các bộ, UBND tỉnh thành. Cán bộ được cử quản lý DN thường làm việc kiêm nhiệm nên thiếu tính chuyên nghiệp, đặc biệt là trách nhiệm không rõ ràng.

Phân tích về những bất cập trong quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các DN nhà nước, TS Trần Tiến Cường - trưởng ban nghiên cứu DN, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - cho rằng các bộ ngành, UBND vẫn đang tham gia quản lý DN. Thể hiện rõ nhất là các quan chức bộ ngành, địa phương vẫn lấn sân, kiêm nhiệm giữa quản lý nhà nước và đứng chân trong hội đồng quản trị các DN.

SCIC quản có nổi?

Việc SCIC đang quản trên 800 DN nhà nước, ông Trần Tiến Cường băn khoăn: “Số lượng lớn như thế có quản nổi? Năng lực các cá nhân đại diện cho vốn nhà nước ở DN ra sao?”. Ông Cường kiến nghị nên đẩy mạnh cổ phần hóa, nếu cứ giữ và quản lý quá nhiều DN như hiện nay, SCIC sẽ khó phối hợp, khó chuyên nghiệp.

TS Trần Đình Thiên, quyền viện trưởng Viện Kinh tế VN, cũng băn khoăn với số lượng DN quá lớn, trình độ các DN lại rất khác nhau, nếu không có khuôn mẫu thì việc quản lý vốn nhà nước tại các DN của SCIC dễ biến từ quản lý kinh tế sang quản lý hành chính. Theo ông Thiên, nên dứt khoát quan điểm, kể cả khi giữ vốn nhà nước có lợi cho các DN nhà nước, nhưng nếu bán cho nền kinh tế có lợi hơn thì vẫn nên bán. Ông Trần Đình Thiên cho rằng không nên giữ tài sản nhà nước ở các DN nhà nước vì như thế sẽ khiến tài sản nhà nước không phát triển tốt, “bởi khu vực DN nhà nước đã được chứng minh hoạt động không hiệu quả bằng khu vực tư nhân. Nếu cứ ôm chặt vốn, đất nước lại mất tiền nuôi cục vốn đó”- ông Thiên nói.

Ông Trần Văn Tá, tổng giám đốc SCIC, cho biết tất cả trên 800 DN SCIC đang quản lý đều có thể bán 100% tài sản nhà nước nhưng hiện đang gặp khó khăn do thị trường chứng khoán đi xuống.

Theo ông Tá, “mô hình SCIC dự kiến ban đầu sẽ quản cả các tập đoàn theo kiểu Temasek của Singapore chứ không phải quản 800 DN”. Ông Tá cam kết sẽ bán thật nhanh số cổ phần nhà nước tại khoảng 800 DN còn lại, phấn đấu 3-4 năm nữa sẽ xong nhưng vẫn đảm bảo thu hồi tốt, phát triển vốn nhà nước.

Sớm có cơ quan chuyên trách quản lý tập đoàn

TS Trần Đình Thiên đánh giá hiện SCIC chưa thể được phép quản các tập đoàn vì mấy năm nay các tập đoàn như một cấm địa về thể chế. Ông Thiên kiến nghị: do quản trị vốn trong các tập đoàn là vấn đề then chốt nhất, liên quan đến tiềm lực quốc gia nên cần một quyết định đột phá về thể chế để quản nó.

Ông Trần Tiến Cường nêu thực tế các tập đoàn, tổng công ty lớn mặc dù đang nắm giữ lượng vốn khổng lồ nhưng hiện nay không có cơ quan nào chuyên trách giám sát, thực hiện quyền chủ sở hữu vốn nhà nước. Theo ông Cường, việc có cơ quan chuyên trách quản các tập đoàn là việc cấp bách hiện nay vì chỉ có vậy mới đủ sức giám sát các cơ quan kinh tế lớn này. “Không có cơ quan chuyên trách, sẽ khó có thể phân tích, quản lý và đặc biệt là giám sát các mục tiêu của tập đoàn. Vì vậy, khó lòng đánh giá cụ thể hiệu quả của nó” - ông Cường nói.

Là chuyên gia nghiên cứu về DN nhà nước, ông Trần Tiến Cường kiên quyết với luận điểm: không nên để cán bộ quản lý hành chính tại các bộ ngành tham gia quản lý vốn tại DN. Riêng các tập đoàn quan trọng, Nhà nước nên có một cơ quan chuyên trách vì “DN độc quyền đã phải kiểm soát rồi, đây lại độc quyền, giữ một khoản vốn lớn của Nhà nước thì càng phải có cơ quan kiểm soát”.

Chỉ quản các DN qua báo cáo và người đại diện

Theo ông Lê Song Lai: “Hiện SCIC đang phối hợp với các UBND, chính quyền địa phương để kiểm soát các DN. Việc bổ nhiệm nhân sự tại các DN địa phương cũng phải tham khảo ý kiến địa phương. Việc kiểm soát hiệu quả kinh doanh vốn nhà nước tại DN được tiến hành thường xuyên thông qua kiểm tra các báo cáo tài chính và qua người đại diện chủ sở hữu mà chúng tôi cử tại DN. Tuy nhiên, đúng là nhiều báo cáo của DN chưa được kiểm toán. Tại các DN nhà nước chỉ chiếm cổ phần thiểu số, nếu các đối tác vốn khác cố tình làm ăn thua lỗ để giảm vốn nhà nước xuống thì rất khó quản lý”.

CẦM VĂN KÌNH